Thép Việt Nam sẽ ra sao sau chính sách áp thuế của Mỹ, Indonesia?

Gần đây, ngành Thép Việt Nam đang đối mặt với nhiều chính sách áp thuế nhập khẩu cũng như biện pháp chống bán phá giá từ nước ngoài. Đây là hồi chuông cảnh báo doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh.

02/07/2018 14:11

Gần đây, ngành Thép Việt Nam đang đối mặt với nhiều chính sách áp thuế nhập khẩu cũng như biện pháp chống bán phá giá từ nước ngoài. Đây là hồi chuông cảnh báo doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh.

Mỹ, Indonesia đồng loạt áp thuế

Indonesia mới đây chính thức công bố áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu của Việt Nam từ 12,01% đến 28,49% trong 5 năm.

Hai doanh nghiệp tôn mạ niêm yết của Việt Nam là Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) chịu mức thuế lần lượt là 12,01% và 19,16%.

Trước đó, Indonesia từng áp thuế chống bán phá giá ở mức 13,5 - 36,6% lên thép cuộn cán nguội của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan kể từ tháng 3/2013 và tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ thương mại này sau kỳ rà soát năm 2015.

Ngoài Indonesia, Chính phủ Mỹ cũng quyết định áp dụng thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3 năm nay. Một số đồng minh của Mỹ, bao gồm EU, Canada và Mexico được tạm thời miễn trừ trong thời gian đầu nhưng cuối cùng vẫn phải chịu mức thuế này bắt đầu từ ngày 1/6.

Hiện tại, chỉ có một số ít quốc gia như Hàn Quốc, Argentina, Australia và Brazil, chiếm gần 30% lượng thép nhập khẩu của Mỹ trong năm 2017 được miễn trừ thuế và thay vào đó phải chấp nhận một mức hạn ngạch để xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ.

Phân tích về quyết định của Indonesia lên tôn mạ màu, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, biện pháp này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tôn mạ nội địa.

Thứ nhất, hoạt động xuất khẩu tôn mạ màu không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu tôn mạ toàn ngành. Năm 2017, các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu trên 1,6 triệu tấn tôn mạ, trong đó hầu hết là tôn mạ kẽm (46%) và tôn mạ lạnh (38%), chỉ có 278.000 tấn tôn mạ màu, chiếm 17,1%. Chưa kể, gần 3/4 lượng tôn mạ màu sản xuất là phục vụ thị trường trong nước. Năm 2017, ngành Tôn mạ tiêu thụ tổng cộng gần 1,1 triệu tấn tôn mạ màu, tuy nhiên chỉ xuất khẩu 278.000 tấn, chiếm 26% tổng lượng tôn mạ màu tiêu thụ.

Thứ hai, tôn mạ màu không phải sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam. Xu hướng của các nhà sản xuất tôn mạ nội địa là tập trung vào dòng sản phẩm tôn mạ kẽm, mạ lạnh và giảm dần tỷ trọng tôn mạ màu. Do độ bền của tôn mạ kim loại vượt trội so với tôn đen mạ màu và cũng cho biên lợi nhuận cao hơn do giá trị gia công cao hơn, các doanh nghiệp tôn mạ nội địa khi đầu tư dây chuyền máy móc đều tập trung vào khâu mạ kim loại. Các nhà máy tôn mạ của hầu hết doanh nghiệp đầu ngành như Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á đều có công suất mạ màu tương đối nhỏ so với tổng công suất.

Lối đi cho ngành Thép

Mặc dù không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nhưng SSI Research còn bày tỏ lo ngại khả năng việc Mỹ áp thuế lần này có thể gây nên làn sóng bảo hộ mậu dịch trên toàn cầu, do các thị trường khác có thể thiết lập các biện pháp bảo hộ riêng để hạn chế nhập khẩu thép mà đáng ra đã đến thị trường Mỹ.

EU hiện là thị trường lớn thứ ba, chiếm gần 10% sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam, đã tiến hành đợt rà soát thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu vào tháng 3 bao gồm tất cả các nước ngoài khu vực.

Canada bắt đầu một đợt rà soát thuế chống bán phá giá sơ bộ về thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam vào cuối tháng 5.

Liên quan đến các sản phẩm trong ngành Thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố đến cuối năm 2017, có tới 30 vụ kiện liên quan điều tra chống bán phá giá thép trong số tổng cộng 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó cho thấy thép là ngành bị ảnh hưởng nhiều vụ kiện thương mại nhất.

Trả lời báo chí, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, các doanh nghiệp trong nước đã có những biệp pháp chuẩn bị trước các đợt đánh thuế như mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực khác... Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp tự vệ được áp dụng nhiều như hiện nay. Nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng bộ và khép kín sản xuất... sẽ là giải pháp cơ bản và lâu dài trong bối cảnh các vụ kiện phòng vệ lên ngành Thép ngày càng nhiều.