Quyết định thuế thép, nhôm của Trump ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?
09/03/2018 10:57
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm được nhập khẩu vào Mỹ, nhưng miễn thuế cho Mexico và Canada.
Cuối cùng, ông Trump đã thực hiện một trong những lời hứa gây tranh cãi nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình khi ký sắc lệnh thuế nói trên.
Mức thuế suất mới này sẽ có hiệu lực trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký kết. Theo chính quyền Trump, sắc thuế mới này sẽ góp phần đảm bảo an ninh kinh tế của quốc gia này.
Ngoài việc không áp dụng thuế nhập khẩu cao cho 2 nước láng giềng, hiện cũng là 2 đối tác chính của mình trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), chính quyền Trump cũng để ngỏ cơ hội cho tất cả các quốc gia khác chứng minh việc áp thuế của Mỹ đối với họ có phù hợp không?. “Nếu quốc gia nào chứng minh được việc áp thuế của Mỹ là không phù hợp, thì Mỹ sẵn sàng điều chỉnh, hoặc thậm chí gỡ bỏ thuế đối với quốc gia đó”, ông Trump nói.
Ngay sau quyết định nói trên của Trump, Bộ Trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho rằng, quyết định của Mỹ về thuế nhập khẩu nhôm và thép là rất đáng buồn, có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Mỹ.
"Nhật Bản có thể sẽ có biện pháp đối phó phù hợp tùy theo tác động đến các doanh nghiệp của Nhật Bản và theo đúng quy chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)", ông Taro nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cho rằng, việc xuất khẩu thép và nhôm của Nhật Bản không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ, mà chỉ góp phần phát triển ngành thép, nhôm của Mỹ.
Trước đó, sau thông báo của Trump sẽ áp thuế suất nhập khẩu cao đối với thép, nhôm từ tất cả các quốc gia, thì nhiều quốc gia đã phản đối gay gắt, kể cả Canada.
Đối với Việt Nam, BVSC cho rằng mức độ ảnh hưởng thực tế sẽ không quá nghiêm trọng. Bởi vì, Mỹ hiện chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng sắt thép của Việt Nam. Trên thực tế, nếu xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ bị ảnh hưởng do quyết định mới của Tổng thống Trump, ngành thép Việt Nam có thể sẽ quay về dồn sức cạnh tranh trên thị trường chính hiện nay là khối ASEAN (hiện chiếm 59,3%). Theo ước tính của BVSC, cả Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) đều đi đầu trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2016, nhưng tiêu thụ không quá 5% tổng sản lượng tại thị trường Mỹ.
Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu thép sang Mỹ sẽ gặp khó khăn sau quyết định áp thuế của chính quyền Trump, nhưng điểm tích cực đối với ngành thép của Việt Nam là từ năm 2018, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng sẽ đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa) do có nhiều dự án mới đi vào hoạt động.