Nhận định thị trường thép xây dựng nội địa tháng 3/2022

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không chỉ đẩy giá dầu thô mà còn nhiều loại hàng hóa cơ bản khác trên thế giới tăng cao trong đó có các nguyên nhiên vật liệu của ngành thép. Các nhà máy thép trong nước bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán để bù đắp chi phí, giá nguyên vật liệu tăng cao.

07/03/2022 17:29

Sang tháng 3/2022, các nhà sản xuất thép xây dựng trong nước lần lượt thông báo tăng giá bán với mức tăng phổ biến từ 300.000 – 400.000 đồng/tấn tùy theo thương hiệu, chủng loại sản phẩm và khu vực thị trường. Đơn cử như ngày 7/3/2022, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thông báo điều chỉnh tăng giá bán thép TISCO các loại so với giá bán hiện hành là 400.000 đồng/tấn, giá bán niêm yết sau tăng giá đối với thép cuộn là 18 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D12 CB300-V/SD295 là 18,05 triệu đồng/tấn (giá bán tại nhà máy, giá chưa VAT, thanh toán ngay).

Đây là đợt tăng giá lần thứ 5 của thị trường thép xây dựng nội địa kể từ đầu năm 2022 cho tới nay trong bối cảnh giá nguyên vật liệu leo thang trên phạm vi toàn cầu. Các nhà máy thép trong nước bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán để bù đắp chi phí, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ thép của nền kinh tế chưa thực sự mạnh.

Trong khi giá bán thép xây dựng sau đợt tăng giá thứ 5 này đưa tỷ lệ tăng giá bán bình quân lên khoảng 6,4% so với đầu năm 2022, thì giá phôi thép nội địa hiện nay phổ biến từ 16 – 16,1 triệu đồng/tấn, tăng bình quân 7%; giá thép phế tăng tới 12% và hiện phổ biến từ 12,5– 13 triệu đồng/tấn.

Theo Platts, giá bình quân thép cây nhập khẩu vào khu vực Đông Nam Á từ đầu tháng 3/2022 cho tới nay là 791,5 USD/tấn, tăng 10,6% so với tháng 1/2022. Như vậy tốc độ tăng giá thép xây dựng tại Việt Nam đã và đang chậm hơn so với thị trường thế giới do áp lực cạnh tranh gay gắt khi cung lớn hơn cầu nhiều lần. Ngoài ra, theo Platts, giá phôi thép nhập khẩu bình quân vào khu vực Đông Nam Á trong 4 ngày đầu tháng 3/2022 là 736 USD/tấn CFR, tăng 15,9% so với giá bình quân tháng 1/2022, còn giá thép phế loại HMS1/2 80:20 là 580 USD/tấn CFR, tăng 11,3%. Như vậy, các nhà sản xuất thép trong nước tiếp tục bị áp lực về giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong thời gian tới, đặc biệt là các đơn vị sản xuất thép sử dụng nguyên liệu từ thép phế liệu. 

Với tình hình kinh tế tài chính thế giới phức tạp và khó lường như hiện nay, thị trường hàng hóa nói chung và thị trường thép xây dựng Việt Nam nói riêng trong tháng 3 có thể phải đối diện những khó khăn sau:

  • Ở phía cung: các lệnh trừng phạt và trả đũa liên quan tới khủng hoảng Ukraina và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao. Doanh nghiệp bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán để bù đắp giá thành.
  • Ở phía cầu: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022 đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên lạm phát có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại, do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường. 

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công - Đây là nhân tố quan trọng để kích cầu thị trường thép nội địa trong những tháng tới

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 2 tháng đầu năm 2022 tuy cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn đạt thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân là trong tháng 1, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2021 đến hết thành 31/1/2022 và khiển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại số địa phương đã ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 khẩn trương thực hiện phân bổ vốn chi tiết cho các dự án theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2022 do chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền giao danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án; thực hiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 sau khi các dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

M94A2672

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban của Bộ Tài Chính ngày 4/3/2022, trong thời gian tới, cần phải làm sao để thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công phải được giám sát chặt chẽ, tránh việc dòng vốn này chảy vào các lĩnh vực khác không đúng mục tiêu. "Nguồn lực phục hồi kinh tế là rất lớn, gần 350 nghìn tỷ đồng, trong đó có nguồn lực lớn từ ngân sách, do đó cần được giám sát chặt chẽ" . Ảnh: Nguồn Bộ Tài Chính.

Trần Thanh Hương