Ngành thép Mexico cần tăng cường sức mạnh khu vực vào năm 2025

- Thép nhập khẩu chiếm 46% tổng sản lượng tiêu thụ.
- Việc áp thuế của Mỹ sẽ phá vỡ chuỗi giá trị.
- 93,5% sản lượng thép Mexico được sản xuất bởi lò điện hồ quang (EAF).

16/12/2024 11:57

Ngành thép Mexico cần tăng cường chuỗi cung ứng trong năm 2025 bằng cách ưu tiên nội địa hóa và thay thế nguồn hàng nhập khẩu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường khu vực, phát biểu của ông Salvador Quesada - Tổng giám đốc Phòng công nghiệp thép Mexico (Canacero).

Ông Quesada cho biết thép thành phẩm nhập khẩu vào Mexico hiện chiếm tới 46% lượng tiêu thụ trong nước. Ngành công nghiệp thép đang đối mặt với vấn đề dư thừa công suất ở châu Á, và thách thức không chỉ đến từ Trung Quốc mà còn từ các quốc gia vệ tinh ở Đông Nam Á.

Theo dự báo của Canacero, thép thành phẩm nhập khẩu vào Mexico sẽ đạt 12,6 triệu tấn vào năm 2024, tăng 0,4% so với năm 2023. Ngược lại, sản lượng thép sản xuất dự kiến đạt 18,3 triệu tấn, giảm 7,9% so với năm trước.

“Ngành thép Mexico cạnh tranh tốt hơn Trung Quốc, ngay cả khi không có trợ cấp của Chính phủ, và chúng tôi cần tự bảo vệ mình trước các hành vi thương mại không công bằng,” ông Quesada tuyên bố.

Ngoài việc tăng cường sức mạnh khu vực, ông Quesada còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các liên minh chiến lược giữa các công ty để chia sẻ kiến thức, công nghệ và quy trình tốt nhất.

Ông cũng nhấn mạnh việc cải thiện việc vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu trong nước bằng cách hiện đại hóa các cảng, đường bộ và hệ thống đường sắt. Đồng thời, các chính sách thuế thân thiện với doanh nghiệp là điều cần thiết để tận dụng tối đa cơ hội chuyển dịch đẩy mạnh sản xuất nội địa và trong khu vực.

Tác động của việc Mỹ có thể áp mức thuế quan 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico

Trước đó, ông Trump cho biết có kế hoạch áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ từ Canada và Mexico, do tình trạng nhập cư trái phép và nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Theo ông Quesada, các chính sách về an ninh và di cư từ chính quyền mới của Tổng thống Trump có nguy cơ làm gián đoạn sự tham gia của Mexico vào các nỗ lực khu vực hoá chuỗi giá trị của các quốc gia trong khu vực này (nearshoring). Hậu quả có thể là sự phá vỡ chuỗi giá trị và vô hiệu hóa các quy định của Hiệp định thương mại Mỹc – Mexico - Canada (USMCA).

“Tuy nhiên, việc áp thuế nếu có cũng sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt hại, gây ra lạm phát và buộc Mexico đáp trả bằng các biện pháp trả đũa,” ông cảnh báo.

Với 80% xuất khẩu của Mexico hướng đến thị trường Mỹ, ông Quesada lưu ý rằng: “Đối với mặt hàng thép, các biện pháp thuế quan qua lại có thể ảnh hưởng đến khoảng 10,4 tỷ USD doanh thu thương mại giữa 2 nước, nhưng tác động sẽ lớn hơn đối với Mỹ vì Mexico đang trong tình trạng thâm hụt sản phẩm thép.”

Phát triển bền vững: Ưu thế cạnh tranh

Trên toàn thế giới, ngành thép truyền thống chủ yếu dựa vào các quy trình sản xuất tạo ra mức phát thải ô nhiễm cao. Trong khi đó, ngành thép Mexico đã có những bước tiến đáng kể về phát triển bền vững và đổi mới.

“Mexico đang có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực thép liên quan đến bảo vệ môi trường so với các khu vực khác,” ông Quesada nhận định.

Theo ước tính của Canacero dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới năm 2022, 93,5% sản lượng thép tại Mexico được sản xuất thông qua lò điện hồ quang (EAF), sản xuất ra 10,9 triệu tấn thép tái chế.

Về mặt giảm phát thải carbon, Mexico tạo ra lượng khí thải thấp hơn 48% trên mỗi tấn thép sản xuất (1 tCO2/t) so với mức bình quân toàn cầu (1,91 tCO2/t) và đã giảm 28% lượng khí CO2 trên mỗi tấn thép trong thập kỷ qua.

Ngoài ra, 5% điện năng sử dụng trong ngành thép đến từ các nguồn năng lượng sạch. Mexico tiêu thụ năng lượng thấp hơn 48% trên mỗi tấn thép sản xuất (11 GJ/t) so với mức bình quân toàn cầu (20,99 GJ/t).

Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy Mexico vận hành 17 nhà máy xử lý nước thải công nghiệp, với 18% nguồn cung cấp nước có nguồn gốc từ việc tái sử dụng, thể hiện cam kết tích cực của Mexico về phát triển bền vững nguồn nước.

T.L