Khó khăn mới cho thép Việt nơi thị trường lớn

Mỹ không phải là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với mặt hàng thép, nhưng diễn biến giá vài năm gần đây và sự phản ứng gần như tức thời của giới chức nước này trước những thay đổi trong giá bán của sản phẩm từ Việt Nam vào Mỹ cho thấy sự sát sao, phản ứng nhanh của cơ quan chức năng nước này.

15/01/2018 15:48

Mỹ không phải là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với mặt hàng thép, nhưng diễn biến giá vài năm gần đây và sự phản ứng gần như tức thời của giới chức nước này trước những thay đổi trong giá bán của sản phẩm từ Việt Nam vào Mỹ cho thấy sự sát sao, phản ứng nhanh của cơ quan chức năng nước này.

Theo hãng tin Reuters, vào ngày 5-12-2017, Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết áp các mức thuế rất cao dành cho thép nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi phát hiện các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã trốn tránh các lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.

Quyết định trên là một thắng lợi dành cho các nhà sản xuất thép Mỹ, họ đã thành công khi yêu cầu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép Trung Quốc trong năm 2015 và 2016... Hiệp hội Thép Mỹ đã lập luận rằng các sản phẩm của Trung Quốc đang bị chuyển hướng sang các nước thứ ba để né các nghĩa vụ thuế.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc đối với thép chống ăn mòn và cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc từ thép cuộn cán nóng của Trung Quốc. Nếu quyết định này trở thành hiện thực, sản phẩm thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ phải đối mặt với mức thuế 238%. Các mức thuế cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 16-2 sắp tới.

Mặc dù sản phẩm được chế biến ở Việt Nam để làm thép chống ăn mòn và théo cán nguội, sử dụng trong xe hơi và các thiết bị khác, nhưng Bộ Thương mại Mỹ vẫn đồng ý với quan điểm của các nhà sản xuất Mỹ rằng 90% sản phẩm bắt nguồn từ Trung Quốc.

Trước đó, Liên minh châu Âu vào tháng 11-2017 cũng cho biết nhiều sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam vào liên minh này cũng đang né thuế.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết sau khi áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép Trung Quốc vào năm 2015, lượng thép cuộn cán nguội xuất từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng lên 295 triệu đô la Mỹ/năm vào năm 2016, từ mức 11 triệu đô la.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương Việt Nam, số liệu 90% thép của Việt Nam vận chuyển qua Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc là chưa chính xác, chỉ có 11 mặt hàng thép xuất khẩu qua Mỹ có mã HS trùng với mã nhập khẩu thép từ Trung Quốc, tức là chiếm 34% sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ.

Khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam vẫn chưa dừng lại, khi mà ngành công nghiệp thép của Mỹ đang chờ đợi khuyến nghị của Bộ Thương mại sau một cuộc hội nghị của tổ chức này về việc hàng nhập khẩu có gây nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các hạn chế nhập khẩu rộng rãi nên được áp dụng hay không. Mặc dù nghiên cứu đã gần như hoàn tất nhưng Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa đưa ra khuyến nghị cho đến khi quốc hội nước này thông qua pháp luật về thuế.

Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu khác như Úc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… đang tiến hành các vụ kiện tự vệ thương mại với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2016 các sản phẩm thép cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng cao so với năm 2015. Một phần nguyên nhân là do Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với hai sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội từ Trung Quốc nên nhiều doanh nghiệp ở Mỹ chuyển sang tìm kiếm nhà cung cấp mới, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, lượng xuất khẩu sang Mỹ của hai dòng sản phẩm thép nói trên của Việt Nam có mức tăng đột biến.

Và chính mức tăng trưởng này đẩy các nhà sản xuất thép Việt Nam trước thách thức bởi Mỹ tăng cường điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nhà sản xuất trong nước.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm 2017, cả nước xuất khẩu 420.860 tấn thép sang Mỹ, tổng trị giá kim ngạch 337,256 triệu đô la. Kết quả này giảm mạnh cả về sản lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, bởi 10 tháng đầu năm 2016, sản lượng thép xuất sang quốc gia này đạt 766.648 tấn, tổng trị giá kim ngạch 460 triệu đô la.

Trong khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3,6 triệu tấn sản phẩm thép các loại (bao gồm cả phôi thép) với giá trị hơn 2,5 tỉ đô la. Trong năm 2017, các con số tương ứng là 4,5 triệu tấn sản phẩm thép các loại với giá trị gần 3 tỉ đô la.