Hà Tĩnh kiên quyết nói không với Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê
04/05/2018 10:11
Trong đề xuất được đưa ra cuối tháng 4/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn kiên quyết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét cho dừng (kết thúc) Dự án Khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.
Nhận xét về Dự án này, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho hay, qua 5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển tổng thể địa phương, nhiều yếu tố về kinh tế, xã hội đã thay đổi; đặc biệt sau sự cố môi trường biển năm 2016, cần thiết phải đặt ra yêu cầu và xem xét lại quy hoạch phát triển công nghiệp, nhất là các dự án công nghiệp nặng ven biển Hà Tĩnh, trong đó có mỏ sắt Thạch Khê, nhà máy luyện thép... với nguyên tắc phải bảo đảm phù hợp sức chịu tải về môi trường dọc dải ven biển; không đánh đổi môi trường bằng mọi giá vì phát triển kinh tế.
Do vậy, việc xem xét đánh giá lại Quy hoach phát triển tổng thể của tỉnh là cần thiết và phù hợp thực tiễn tình hình hiện nay.
Với cụ thể Dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ ra một số nhược điểm có thể dẫn tới các nguy cơ lớn trong quá trình hoạt động dựa trên thực tế địa chất.
Đơn cử, do đặc thù khu vực mỏ có vị trí sát biển (cách 1,5 km), cách thành phố Hà Tĩnh gần 6 km; bờ mỏ là cát biển, địa chất thủy văn phức tạp. Theo tính toán của Viện tháo khô mỏ VIOGEM - CHLB Nga, khi khai thác độ sâu -550m, rủi ro cao khi khai thác mỏ xuống sâu (nước mặt và nước biển ngấm vào mỏ), trong khi Dự án thực hiện bằng công nghệ khai thác mỏ lộ thiên. Vì vậy, đòi hỏi yêu cầu rất cao về giải pháp kỹ thuật và trình độ công nghệ.
Về phương án vận tải trong mỏ bằng ô tô: Theo đánh giá của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam việc bóc đất đá về nơi đổ thải, vận chuyển quặng về kho chứa sẽ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường; khi xuống độ sâu vào lòng mỏ và khi bãi thải cao dần sẽ làm cho việc vận chuyển ngày càng phức tạp, dễ xảy ra tai nạn, năng suất thấp; tài liệu dự án, nhất là trong thiết kế kỹ thuật của dự án chưa thể hiện rõ hệ thống đường giao thông trong mỏ, kể cả dự phòng cứu nạn và giải tỏa ách tắc giao thông trong mỏ.
Theo báo cáo của TIC tại Văn bản số 03/BC-TIC ngày 03/01/2018 thì trong thời gian xây dựng mỏ, tổng khối lượng quặng thu hồi, khai thác được là 4,4 triệu tấn, được vận chuyển bằng đường bộ vào cảng Vũng Áng (khoảng 65km). Sau khi đi vào hoạt động sản xuất, TIC đầu tư hoàn thành hệ thống cảng tại khu vực đô thải lân biên, khi đó quặng sẽ được vận chuyên đê tiêu thụ chủ yếu thông qua đường thủy. Tuy nhiên, kể cả phương án vận chuyến bằng đường bộ hay đường thủy đều có những tồn tại, bất cập.
Cụ thể, ở phương án vận chuyển quặng sắt bằng đường bộ, việc vận chuyển quặng từ mỏ về nơi luyện sẽ khó khăn, đẩy giá vận tải lên cao và làm tăng giá thành quặng. Chỉ tính trong thời gian xây dựng mỏ, tổng khối lượng khai thác được là 4,4 triệu tấn, nếu vận chuyển bằng đường bộ vào cảng Vũng Áng với tần suất 300 ngày/năm; mỗi xe trọng tải 40 tấn quay vòng được 04 chuyến/ngày thì cần 123 xe ô tô để vận chuyển và liên tục 2- 3 phút/chuyến; với lưu lượng như vậy, khả năng chịu tải của đường bộ là không thể đáp ứng, dễ gây mất an toàn giao thông, vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nếu chọn phương án đầu tư cảng biển để vận chuyển quặng, do vị trí dự kiến xây dựng cảng là vùng biển ngang (xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà) có đặc điểm ven bờ cạn và thoải, chịu ảnh hưởng gió Đông trực diện, thường xuyên đẩy cát vào bờ sẽ lấp cạn luồng ra/vào của tàu. Do vậy phương án xây dựng cảng tại vùng Dự án này là thiếu tính khả thi.
Còn khi chọn phương án đầu tư cảng hiện đại để đáp ứng các yêu cầu trên thì nguồn vốn đầu tư rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ đô la, không thể đảm bảo nguồn lực và hiệu quả kỉnh tế. chưa kể tới tác động ảnh hưởng đến dòng hải lưu, dòng chảy dọc bờ, hệ môi trường sinh thái, khu du lịch Thiên cầm, Cửa Sót khi xây dựng cảng và đê chắn sóng ở vùng biển ngang chưa được xem xét đề cập.
Liên quan đến thị trường tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê, theo báo cáo của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), hiện có một số doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với tổng nhu cầu 5,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, cũng chỉ có Tập đoàn Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê dài hạn với khối lượng 3 triệu tấn/năm cho giai đoạn năm 2017-2021. Còn sau đó chưa có cam kết cụ thể.
Ngay với việc đưa quặng Thạch Khê vào tiêu thụ tại Công ty Gang thép Formosa cũng không đơn giản. “Hàm lượng kẽm trong quặng sắt này cao hơn 10 lần so với quặng sắt thông thường, đồng thời cao hơn 4,5 lần so với tiêu chuẩn của Công ty; nguyên tố kẽm trong quặng sắt dễ ngưng tụ lại trên vách trong lò cao gây ảnh hưởng đến việc vận hành, hư hỏng vật liệu chịu lửa và làm giảm tuổi thọ của lò cao, nghiêm trọng hơn nữa sẽ dẫn đến việc rò rỉ gang lỏng gây ra sự cố. Công ty luôn luôn hy vọng có thể sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương, tuy nhiên với công nghệ của Công ty hiện tại thì không thể sử dụng loại quặng sắt này”, văn bản của Công ty Gang thép Formosa Việt Nam cho hay.
Ngoài ra, quan điểm hiện đại trong khai thác khoáng sản trên thế giới và Việt Nam là khai thác và sử dụng tổng hợp các tài nguyên, khoáng sản đi kèm khoáng sản chính. Tuy nhiên, phân tích Báo cáo đầu tư thì nhận thấy TIC chỉ tập trung vào loại khoáng sản chính là quặng sắt; chưa nêu đầy đủ tận thu các loại kim loại quý hiếm có thể đi kèm trong quặng sắt Thạch Khê.
Theo hồ sơ Dự án, trữ lượng mỏ được phê duyệt là 544 triệu tấn, công nghệ hiện nay chỉ cho phép khai thác được 369,9 triệu tấn. Như vậy, sau khai thác số lượng quặng theo phương án của TIC thì trong lòng đất vẫn còn lại 174,1 triệu tấn (lớn hơn tổng trữ lượng và tài nguyên của các mỏ khác trên cả nước gộp lại), gây tổn thất tài nguyên quá lớn, vấn đề này, ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, phương thức khai thác trong báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, có điều kiện khai thác thuận lợi, còn quặng khó khai thác thì bỏ lại, sẽ rất lãng phí tài nguyên.
Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng xác định có nhiều độc tố khi nước thải mỏ khối lượng lớn được bơm từ moong mỏ, đổ vào bể chứa diện tích 2 ha để lắng tự nhiên, theo kênh dẫn đổ thẳng ra sông Thạch Đồng, biển Thạch Hải.
Cụ thể, trong quặng sắt Thạch Khê, ngoài kim loại chính được thu hồi, trong nước thải mỏ còn có lưu huỳnh, các kim loại nặng (Fe, Pb, Cr, Mn) và các nguyên tố vi lượng khác, trong đó có hàm lượng Zn trung bình là 0,071%.
Nước thải mỏ không qua xử lý được đổ trực tiếp ra biển với khối lượng rất lớn, chưa thể khẳng định được tác động tích lũy của các kim loại nặng, độc hại đi kèm quặng sắt trong cả đời dự án 52 năm có thể gây ra thảm họa môi trường biển hay không; đây là vấn đề đặc biệt hệ trọng sau bài học về sự cố môi trường biển xẩy ra ở địa phưong trong thời gian vừa qua.
Việc xử lý nước thải đảm bảo an toàn trước khi đổ ra biển sẽ làm tăng chi phí đầu tư. Nếu tính riêng chi phí tuyến đê chắn bãi thải lấn biển, tuyến đê chẳn bãi thải ừên đất liền, hệ thống băng tải vận chuyển cát tới bãi thải lấn biển, 6 hồ xử lý nước thải thì phải chi phí thêm khoảng 2.700 tỷ đồng.