Góc nhìn về diễn biến giá thép qua kết quả lợi nhuận của ngành thép 6 tháng đầu năm 2022

Các doanh nghiệp thép đã chính thức công bố Báo cáo tài chính Quý 2/2022 và 6 tháng đầu năm 2022. Kết quả sản xuất kinh doanh cho thấy bức tranh tài chính Quý 2/2022 toàn ngành thép tương đối ảm đạm, biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp thép giảm đáng kể. Dưới đây là góc nhìn về diễn biến giá thép trong 6 tháng đầu năm 2022 đã gây khó khăn như thế nào cho các doanh nghiệp trong việc nhận định/dự báo thị trường; xây dựng và cân đối kế hoạch nguyên liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

12/08/2022 09:43

Thị trường thép thế giới sau khi tăng nóng trong Quý 1/2022 thì sang đầu Quý 2 giá các mặt hàng thép quay đầu và liên tục giảm mạnh. Diễn biến thị trường thép trong Quý 2 thường xuyên biến động bất ngờ thậm chí trái chiều, trái thông lệ. Các ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng mở rộng lên khắp toàn cầu khiến lạm phát tăng tốc ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước trên thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng không có nhiều cải thiện khiến thị trường thép ngày càng khó khăn.

12-8-1 Nguồn: Platts

  • Thị trường thép xây dựng nội địa trong Quý 1/2022

Mặc dù giá thép thành phẩm nội địa có diễn biến tăng liên tục nhưng giá bán chỉ tăng bình quân 3,3%/tháng trong khi giá nguyên liệu nội địa như giá phôi thép tăng bình quân 4,6%/tháng và thép phế 5,7%/tháng, giá nguyên liệu thế giới có mức tăng cao hơn như phôi thép nhập khẩu khu vực Đông Nam Á tăng 7,8%/tháng, thép phế tăng 7%/tháng. Giá thép phế nội địa thấp hơn giá thép phế nhập khẩu nhưng việc thu mua rất khó khăn do nguồn cung hạn chế.

12-8-2 Tốc độ tăng giá nguyên liệu cao hơn giá bán thép thành phẩm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà sản xuất. Tham khảo số liệu về lợi nhuận gộp của sản xuất thép cây nội địa Trung Quốc (Nguồn Platts) cho thấy mặc dù giá thép cây tăng liên tục trong Quý 1/2022 nhưng lợi nhuận vẫn thấp hơn so với tháng 12/2021, và thậm chí lợi nhuận tháng 3 chỉ đạt 63 USD/tấn, trong khi tháng 1 và tháng 2 có mức lợi nhuận 99 – 100 USD/tấn, nguyên nhân do sự tăng đột biến của giá nguyên liệu thế giới trong tháng 3/2022 như giá thép phế tăng 12,2% so với tháng 2/2022, giá phôi thép tăng 14,6% trong khi giá thép thành phẩm chỉ tăng 9,6%.

Giá bán thép thành phẩm nội địa Quý 1/2022 có tốc độ tăng bình quân 3,3%/tháng trong khi tốc độ tăng của giá thế giới là 5,7%/tháng. Tốc độ tăng chậm hơn của thị trường nội địa cho thấy sức ép cạnh tranh về giá bán rất khốc liệt giữa các doanh nghiệp thép. 

  • Thị trường thép xây dựng nội địa trong Quý 2/2022

Thị trường bất ngờ quay đầu giảm liên tục trong tháng 5 và tháng 6, đặc biệt giá thép phế, quặng sắt, than cốc và phôi thép giảm nhanh hơn giá bán thép thành phẩm. Giá bán thép thành phẩm trong nước giảm chậm hơn so với thế giới do lúc này các nguyên liệu nhập khẩu giá cao từ Quý 1/2022 đã về để dùng cho sản xuất nên giá thành cao. Còn phế liệu nội địa giảm nhanh và sâu hơn nhưng việc mua vẫn khó khăn, các bãi phế liệu hạn chế bán ra do giá bán thấp trong chi phí thu mua tăng. 

Hiệu quả kinh doanh thép xây dựng sụt giảm mạnh trong Quý 2/2022. Tham khảo số liệu lợi nhuận gộp của ngành thép xây dựng Trung Quốc cho thấy tháng 5 lỗ bình quân 6 USD/tấn thép, tháng 6 lỗ bình quân 24 USD/tấn.

  • Khó khăn trong việc dự báo và nhận định thị trường 6 tháng đầu năm 2022

6 tháng đầu năm 2022 thế giới xuất hiện nhiều yếu tố kinh tế địa chính trị xã hội biến động bất ngờ đã ảnh hưởng mạnh tới diễn biến giá trên thị trường thép thế giới. Giá thực tế của thị trường hầu như đi chệch so với các dự báo và nhận định trước đó. Sang đến Quý 2/2022, các tổ chức thế giới đều phải điều chỉnh giảm lại tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng của từng lĩnh vực.

Diễn biến bất thường và bất ngờ về giá trong 6 tháng đầu năm 2022 có thể thấy qua tỷ lệ chênh lệch giữa giá bán Max và Min trong từng thời kỳ:

12-8-3 Nguồn: Platts

- Quý 1/2022, giá nguyên liệu có diễn biến tăng liên tục và tỷ lệ chênh lệch giữa giá Max và Min cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy Quý 1/2022 thị trường có diễn biến giá tăng nhanh, cao hơn. Điều này dễ gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên liệu cục bộ, đứt gẫy chuỗi cung ứng nguyên liệu bất ngờ.

- Quý 2/2022, theo thông lệ đây là mùa xây dựng nên giá có xu hướng tăng. Tuy nhiên Quý 2/2022 thị trường giảm mạnh sau khi đã tăng cao trong Quý 1/2022. Tỷ lệ chênh lệch giữa giá Max và Min trong Quý này cao hơn so với Quý 1/2022 cũng như so với cùng kỳ cho thấy giá trên thị trường Quý 2 lao dốc nhanh và bất ngờ hơn. 

Nhìn chung, diễn biến giá trong 6 tháng đầu năm 2022 gây khó khăn cho doanh nghiệp thép trong việc nhận định thị trường, xây dựng và cân đối kế hoạch nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh do giá nguyên liệu có diễn biến tăng giảm bất ngờ với biên độ thay đổi rộng, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thép cũng yếu theo. Cầu giảm, tồn kho nguyên liệu và thép thành phẩm giá cao của doanh nghiệp tăng mạnh; giá bán thép giảm trong khi giá thành cao làm chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải trích lập lớn khiến lợi nhuận toàn ngành thép đi xuống.

GDP Việt Nam 2022 tăng 6,7 - 6,9%, phục hồi mạnh mẽ những tháng cuối năm

- Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam quý 3/2022 sẽ đạt 10,8% và quý 4 là 3,9%; tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 6,7%. Tổ chức này đánh giá nhiên liệu gia tăng trong khi đó giá các mặt hàng khác trong rổ lạm phát vẫn ở mức khá thấp. Áp lực giá cả, đặc biệt là nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023 nhưng quá trình hồi phục của nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm; đồng thời cũng dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như quá trình tăng trưởng của nền kinh tế mặc dù lạm phát đang gia tăng. 

- Theo Báo cáo "Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới" công bố vào tháng 7/2022 của IMF, dự báo GDP Việt Nam 2022 tăng 6,9%, đứng thứ 6 ASEAN và 39 thế giới. So với năm 2021, Việt Nam được dự báo có cải thiện trong bảng xếp hạng 50 quốc gia có quy mô GDP lớn nhất thế giới. Việt Nam nhảy 2 bậc từ thứ 41 năm 2021 lên 39 năm 2022.

- Kiểm soát lạm phát năm 2022 là khả quan. Theo Diễn đàn kinh doanh thường niên 2022, áp lực lạm phát với Việt Nam hiện nay là do chi phí đẩy, chủ yếu là giá năng lượng. Với giá dầu như hiện nay thì giá xăng tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ có nhiều dư địa để giảm. Theo đó, bức tranh lạm phát của Việt Nam những tháng cuối năm cũng sẽ rất khả quan.

- Việt Nam đã liên tục giảm giá xăng dầu (khoảng 20%) kể từ đầu tháng 7/2022, sau 7 lần tăng giá liên tục kể từ cuối tháng 4. Chính phủ cũng đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về 10% từ mức 20%.

- Biên lợi nhuận ngành thép Quý 3/2022 dự báo sẽ vẫn tiếp tục thấp do ảnh hưởng của chu kỳ nguyên vật liệu tồn kho mua từ Quý 2/2022. Tuy nhiên với xu hướng giảm giá nguyên vật liệu từ đầu Quý 3 cho tới nay cùng với chính sách mua đuổi bán đuổi thận trọng của các doanh nghiệp thép sẽ được phản ánh vào giá thành và góp phần cải thiện biên lợi nhuận vào cuối Quý 3/2022.

- Thị trường thép Quý 4/2022 được kỳ vọng sẽ cải thiện khi nhu cầu về thép xây dựng trong nước thường tăng cao trong thời gian này hàng năm do yếu tố thời tiết thuận lợi cho ngành xây dựng. Đồng thời những cam kết đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ được trông chờ sẽ phát huy tích cực trong Quý này và đây được coi là cứu cánh đối với ngành thép và vật liệu xây dựng.

Trần Hương