Formosa tính rót thêm 1 tỷ USD vào dự án ở Hà Tĩnh

Các thành viên của Tập đoàn Formosa Plastics (Đài Loan) đang lên kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD vào dự án tổ hợp nhà máy thép và cảng nước sâu tại Hà Tĩnh, tờ Taipei Times cho biết.

08/05/2017 08:56

Các thành viên của Tập đoàn Formosa Plastics (Đài Loan) đang lên kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD vào dự án tổ hợp nhà máy thép và cảng nước sâu tại Hà Tĩnh, tờ Taipei Times cho biết.

Việc góp vốn này nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thép trị giá 10,5 tỷ của Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Mỗi công ty thành viên của Tập đoàn Formosa bao gồm Formosa Plastics Corp (chất dẻo), Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp (hóa sợi) và Formosa Petrochemical Corp (lọc hóa dầu) nắm 11,43% cổ phần tại FHS.

Dựa trên tỷ lệ sở hữu này, mỗi công ty sẽ góp 57,17 triệu USD trong đợt đầu tiên, theo các thông báo gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan.

Trong khi đó, Formosa Taffeta, công ty liên kết chuyên dệt sợi, nắm 3,85% cổ phần tại FHS và sẽ đầu tư 19,23 triệu USD vào dự án này.

Kế hoạch này được công bố 1 năm sau khi FHS bị phát hiện thải độc ra môi trường biển tại 4 tỉnh ở miền Trung Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội tại các khu vực đó. Tập đoàn Formosa đã xin lỗi và chuyển khoản 500 triệu USD chi Chính phủ Việt Nam để đền bù cho những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố.

Lò đứng cao đầu tiên của dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối quý II năm nay, trễ hơn so với kế hoạch ban đầu là cuối năm ngoái.

Dự án của FHS là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, và đây cũng là nhà máy thép hoàn chỉnh lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Một đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và môi trường đầu tháng trước đã tiến hành kiểm tra và kết luận Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm, còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Trước đó, FHS đã có văn bản đề nghị tăng vốn đầu tư của khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương thêm hơn 340 triệu USD lên hơn 11 tỷ USD, nhằm đầu tư vào đề án ưu hóa bảo vệ môi trường và cải thiện sản xuất (quản lý nước thải, khí thải, xây dựng các hạng mục bổ sung về môi trường).