Diễn biến thị trường thép Trung Quốc tháng cuối năm 2021

Trung Quốc là nước sản xuất chiếm 50% sản lượng sản xuất thép toàn cầu. Diễn biến thị trường thép Trung Quốc luôn là yếu tố chính dẫn dắt thị trường thép thế giới nói chung trong đó có thị trường thép Đông Nam Á và Việt Nam. 

24/12/2021 18:51

Điểm qua một số thông tin diễn biến về thị trường và nhận định của các nhà sản xuất thép thép Trung Quốc tháng cuối năm 2021 như sau :

Quặng sắt với hàm lượng sắt 63,5% giao tại Thiên Tân đã tăng lên quanh mức 120 USD/tấn, đây là mức giá đạt cao nhất sau ngày 11/10/2021 kéo theo chuỗi giảm giá trên thị trường liên tục hơn 1 tháng. Việc giá quặng tăng cao nhờ kỳ vọng sản lượng thép tăng trong tháng 12 và dự báo thị trường bất động sản Trung Quốc ổn định sau khủng hoảng Evergrande. Bên cạnh đó là để duy trì nguồn cung trước sức ép nhu cầu tăng mạnh. Các số liệu cho thấy nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 16 tháng qua đạt kỷ lục vào tháng 11/2021 trong khi tăng trưởng sản xuất công nghiệp của nước này tăng tốc, đánh bại các dự báo tiêu cực của thị trường trước đây. Giá sẽ tiếp tục tăng do các công ty thép Trung Quốc dự kiến ​​tăng sản lượng trong thời gian còn lại của năm và sau khi tuân thủ một loạt các hạn chế nghiêm ngặt do chính phủ áp đặt trong thời gian qua nhằm giảm nhu cầu năng ượng và cắt giảm phí thải Co2.

Liên quan đến thị trường thép, giá thép kỳ hạn tại sàn Thượng Hải giao dịch đạt ngưỡng sấp xỉ 4.700 CNY/tấn, gần với mức chưa từng thấy kể từ ngày 1/11, trong bối cảnh hoạt động công nghiệp của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi và dự báo nguồn cung thép giảm. Sản lượng công nghiệp tăng 3,8% so với cùng kỳ trong tháng 11, nhanh hơn một chút so với dự báo trước đó của thị trường đạt mức tăng 3,6%. Các chỉ số này được củng cố bởi sản lượng năng lượng gia tăng và chi phí nguyên vật liệu điều chỉnh. Trong khi đó, các nhà giao dịch đang kỳ vọng giá tăng do một số nhà máy thép không gỉ sẽ cắt giảm sản lượng để bảo dưỡng định kỳ và giảm chi phí liên quan khi giá các nguyên liệu tăng cao, sản lượng dự kiến giảm 97.000 tấn vào tháng 12 và 290.000 tấn vào tháng 1/2022. Trước đó, các báo cáo cho thấy sản lượng thép tháng 11 của Trung Quốc đã giảm 22%, so với cùng tháng năm năm trước. Việc cắt giảm sản lượng này là do Bắc Kinh thắt chặt các hạn chế ô nhiễm trước Thế vận hội Olympic mùa đông và một phần khác do nhu cầu từ lĩnh vực bất động sản vẫn còn chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng. 

Việc nhập khẩu ổ ạt quặng và tăng giá bán thép có kỳ hạn phản ánh nhận định tích cực của các nhà nhà sản xuất tại Trung Quốc trong dự báo về nhu cầu thép cho năm 2022. Điều này được củng cố bởi các thông tin từ “Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc” được tổ chức thường niên vừa mới kết thúc vào chiều tối 10/12 sau 3 ngày họp tại Bắc Kinh. Đây là Hội nghị mang tính định hướng cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó nhấn mạnh ưu tiên các chính sách kinh tế coi sự ổn định là mục tiêu chính, với các chỉ số kinh tế chính phù hợp. Để nền kinh tế phát triển ổn định cần phải duy trì chi tiêu tài khóa phù hợp, triển khai nhiều đợt cắt giảm thuế, giảm phí. Cuộc họp kêu gọi thiết lập cơ chế "đèn xanh - đèn đỏ" để tăng cường giám sát hiệu quả đối với nguồn vốn, nhất là siết chặt quản lý vốn để vào thị trường bất động sản để đảm bảo sự phát triển hài hòa, lành mạnh. Với chủ trương cơ cấu lại thị trường bất động sản và xác định mục tiêu nhà là để ở, không phải để đầu cơ đã thúc đẩy  các giải pháp đẩy nhanh thị trường cho thuê dài hạn, các dự án nhà ở giá rẻ.  Trước đó Bộ Chính trị Đảng Công sản Trung Quốc trong cuộc họp ngày 6/12 đã đưa ra các chỉ đạo để ủng hộ tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động và linh hoạt hơn. Cùng ngày, ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng xuống 0,5 điểm phần trăm và vào ngày 7 tháng 12 đã cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất đối với các ngân hàng nông thôn và ngân hàng địa phương nhỏ. Đây là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của chính phủ Trong Quốc trong việc tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng và cũng sẽ là cơ hội cho nhu cầu thép tăng trong năm 2022.

Bên cạnh những nhận định tích cực trên, một số nhà phân tích vẫn tiếp tục đưa ra các yếu tổ ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid-19” của chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục là rào cản đối với các chính sách kích cầu và khả năng sẽ có hiện tượng dư cung bởi các biện pháp cách ly, dãn cách gây đứt gãy gián đoạn nền kinh tế.

Việt Cường - VNSTEEL