VTM - Từng bước vượt khó

Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi phải cạnh tranh với phôi giá rẻ của Trung Quốc và trong nước. Giá bán phôi liên tục giảm sâu khiến VTM càng sản xuất càng thua lỗ.

05/09/2016 07:32

Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi phải cạnh tranh với phôi giá rẻ của Trung Quốc và trong nước. Giá bán phôi liên tục giảm sâu khiến VTM càng sản xuất càng thua lỗ.

Từng bước thoát khó

Trước tình hình đó, nhằm duy trì ổn định sản xuất, Ban điều hành công ty đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục như: Tiết kiệm tối đa tất cả các chi phí quản lý; nâng cao sản lượng sản xuất và chất lượng sản phẩm; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, vật tư; liên tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho cán bộ công nhân viên; tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường, tình hình tiêu thụ trong nước để có biện pháp điều chỉnh giá bán cho phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng...

Để nâng cao năng suất sản phẩm, VTM tiến hành điều chỉnh bài toán phối liệu lò cao hợp lý, sản lượng nước gang đã tăng lên đáng kể, ngày cao nhất đạt 1.680 tấn/ngày. Song song với đó, VTM đang tiếp tục phấn đấu tăng sản lượng nước gang lên 1.800 tấn/ngày (cao hơn nhiều so với công suất thiết kế ban đầu là 1.540 tấn/ngày).

Cuối tháng 3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 862/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Chia sẻ về điều này, ông Bùi Thanh Bình - Tổng giám đốc VTM - cho biết, để vượt qua những khó khăn tồn đọng trước đó, công ty đã không ngừng nỗ lực, cải thiện điều kiện sản xuất để gia tăng sản lượng và giảm giá thành sản xuất. Tuy nhiên, giá bán phôi thép trên thị trường trong thời gian qua thấp hơn giá thành sản xuất khiến cho việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ là điều không thể. Việc Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế tự vệ thương mại là việc làm vô cùng quan trọng và cấp thiết đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước, đặc biệt đối với DN mới tham gia hoạt động trong ngành thép như VTM. Tín hiệu này, cùng với những giải pháp hiệu quả nên bước sang quý II/2016 VTM đã dần giảm bớt khó khăn, tình hình tài chính đã dần được cải thiện.

Kết quả cho thấy, 7 tháng đầu năm 2016 VTM sản xuất được 247.622 tấn phôi thép, đạt 55% kế hoạch năm, trong đó tiêu thụ được 277.346 tấn (tính cả sản phẩm tồn trước), đạt 62% kế hoạch năm, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng doanh thu 7 tháng đạt trên 2.301 tỷ đồng, bằng 48% kế hoạch năm.

Vẫn cần hỗ trợ

Dù kết quả sản xuất - kinh doanh (SXKD) quý II/2016 của VTM đã có những chuyển biến tích cực, nhưng với thời gian quá ngắn nên chưa thể tạo được bước đột phá. Do mới đi vào sản xuất nên chi phí khấu hao cao, chi phí tài chính hàng tháng rất lớn do vốn vay dài hạn để đầu tư xây dựng nhà máy lên tới 70%; vốn vay ngắn hạn phục vụ cho SXKD cũng đều vay từ ngân hàng với mức lãi suất cao... Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chi phí giá thành sản phẩm tăng cao. Ngoài ra, VTM có vị trí địa lý bất lợi nên phải chịu thêm cước vận chuyển khi mua các thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, như: Quặng manhetit, than coke , thiết bị - phụ tùng…, dẫn tới chi phí bán hàng cao do phải “cõng” thêm khoản cước vận chuyển khi tiêu thụ sản phẩm xa, từ đó đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Sản phẩm phôi hoàn thiện của VTM

Tổng giám đốc Bùi Thanh Bình - cho biết thêm: Theo dự tính, diễn biến thị trường phôi thép sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường nước ngoài, cùng sự cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trong nước của sản phẩm thép nội ngày càng khốc liệt.

Vì vậy, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn tồn đọng và ổn định sản xuất, ngoài sự nỗ lực không ngừng của DN, VTM kiến nghị chính quyền địa phương và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ; có chính sách phù hợp về thuế và phí đối với khai thác khoáng sản có hàm lượng thấp (hàm lượng Fe < 40%).

Đối với sản xuất, VTM kiến nghị cần có nguồn cung cấp điện ổn định, an toàn, tránh các sự cố dừng ngắt liên tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thiết bị của nhà máy, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Bởi, mỗi lần sự cố mất điện sẽ tác động mạnh tới dây chuyền nên toàn bộ thiết bị dự án liên hợp, nhà máy sẽ phải mất rất nhiều thời gian và chi phí liên quan để ổn định và hoạt động bình thường trở lại.

Về phía ngân hàng, cần tạo điều kiện giảm lãi suất vay giúp công ty sớm thoát cảnh khó khăn, tăng sức cạnh tranh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.