Vai trò của VNSTEEL trong việc hình thành và phát triển Hiệp hội Thép Việt Nam

Từ ngày 30/06/2022 đến ngày 02/07/2022, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã tổ chức chương trình Hội thảo và Lễ kỉ niệm với chủ đề “20 năm Hiệp hội Thép Việt Nam đồng hành cùng ngành Thép Việt Nam xây dựng và phát triển”. Ông Lê Song Lai – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã có bài thuyết trình về “Vai trò của VNSTEEL trong việc hình thành và phát triển Hiệp hội Thép Việt Nam”.

Trang tin điện tử VNSTEEL xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của ông Lê Song Lai.

04/07/2022 17:14

Giới thiệu về Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL)

  • Vốn điều lệ của Tổng công ty: 6.780 Tỷ đồng
  • Năng lực sản xuất: 5.000.000 tấn/năm
  • Các đơn vị thành viên: bao gồm 39 đơn vị trực thuộc, công ty con và công ty liên kết
  • Mã cổ phiếu: TVN

Sự ra đời của VNSTEEL gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp luyện kim - ngành công nghiệp thép trong nước. 

Trong nhiều năm qua, hệ thống sản xuất và phân phối của VNSTEEL đã xây dựng được những thương hiệu lớn mạnh và được người tiêu dùng biết đến như những biểu tượng về sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, uy tín như: Thép Miền Nam /V/, Thép TISCO, Thép Vina Kyoei, Tôn Phương Nam, Tôn Thăng Long, Thép Tấm lá Phú Mỹ, Thép Việt Úc, Natsteelvina, Kim khí Hồ Chí Minh, Kim khí Miền Trung, Gia công và dịch vụ Thép Sài Gòn,...

4-7-8 Ông Lê Song Lai - Tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam – CTCP phát biểu tại hội nghị

Vai trò của VNSTEEL trong quá trình sáng lập VSA

Trong vai trò là doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu ngành thép, ý thức được trách nhiệm của mình, VNSTEEL đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) việc thành lập Hiệp hội Thép Việt Nam với mong muốn có một tổ chức thống nhất của các nhà sản xuất thép để từ đó định hướng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thép quốc gia.

Trên cơ sở đó, ngày 6/8/2001, Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ đã ký Quyết định số 42/2001/QĐ-BTCCBCP về việc cho phép thành lập Hiệp hội Thép Việt Nam, tổ chức ngành nghề chính thức đầu tiên của những nhà sản xuất thép Việt Nam.  Tổng công ty Thép Việt Nam cùng 12 doanh nghiệp thép khác đã vinh dự trở thành những thành viên sáng lập đầu tiên của Hiệp hội Thép Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Cơ quan thường trực của Hiệp hội được đặt tại Tòa nhà Tổng công ty Thép Việt Nam, số 91 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Không chỉ cung cấp cơ sở vật chất ban đầu cho Hiệp hội, VNSTEEL còn vinh dự được giới thiệu các cán bộ lãnh đạo cao nhất của mình tham gia Ban Thường trực Hiệp hội từ ngày đầu thành lập đến nay như:

  • Ông Hồ Nghĩa Dũng – Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam - Chủ tịch VSA nhiệm kỳ 1 và 4;
  • Ông Phạm Chí Cường – Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, Chủ tịch VSA nhiệm kỳ 2 và 3;
  • Ông Nghiêm Xuân Đa – Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam, Chủ tịch VSA nhiệm kỳ 5 cho đến nay.

A.Da - A.Lai Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA tặng Kỉ niệm chương
cho ông Lê Song Lai - Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP

VNSTEEL luôn đồng hành cùng với VSA trong xây dựng và phát triển ngành Thép Việt Nam

Kể từ khi Hiệp hội Thép Việt Nam được thành lập đến nay, ngành thép Việt Nam đã không ngừng phát triển và hội nhập sâu với kinh tế thế giới.  Trong quá trình đó, VNSTEEL và các đơn vị trong hệ thống đã luôn đồng hành cùng VSA trong các hoạt động chính như sau

1. Tham gia xây dựng chính sách quản lý và phát triển ngành Thép Việt Nam

VNSTEEL đã tích cực và chủ động phối hợp cùng VSA và các doanh nghiệp thành viên kiến nghị với các Bộ ngành liên quan về việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định… để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước đối với ngành thép được thực hiện thông suốt. Trong đó, có thể kể đến việc:

1.1. Phối hợp xây dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) trong ngành thép;

1.2. Góp ý xây dựng các quy chuẩn Việt Nam liên quan đến thép như QCVN 20;

1.3. Đồng hành trong nghiên cứu áp dụng tín chỉ Carbon VN PCMR, một công cụ tài chính quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu, đặc biệt từ năm 2021, sau khi Việt Nam bắt đầu phải thực hiện cam kết cắt giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

1.4. Tham gia xây dựng các chính sách phát triển ngành thép để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành như: góp ý kiến về phương án thuế nhập khẩu của Việt Nam trong đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); kiến nghị với các cơ quan chức năng về chính sách quản lý sắt thép phế liệu nhập khẩu, góp ý về đề xuất tăng thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng,…; đề xuất với chính phủ, các cơ quan liên quan và các ngân hàng về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình khó khăn của đại dịch Covid 19.

1.5. Ngoài ra, VNSTEEL và VSA đều là thành viên của Tổ Điều hành thị trường trong nước do Bộ Công Thương chủ trì. Trong quá trình tham gia hoạt động của Tổ Điều hành, hàng tháng, hàng quý, hàng năm, VNSTEEL và VSA đều liên tục cập nhật tình hình diễn biến giá cả, cân đối cung cầu thép trong nước...  Mọi khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thép đều được phản ánh kịp thời lên các cơ quan quản lý và Chính phủ.

2.  Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế

Trước khi thành lập VSA, Tổng công ty Thép Việt Nam là đại diện cho ngành thép Việt Nam tham gia Hiệp hội Thép Đông Nam Á (AISC) và Viện Gang Thép Đông Nam Á (SEAISI) với tư cách quan sát viên. Đây là tiền đề để sau này, VSA trở thành thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế này. 

Sau này, với vai trò là thành viên của VSA, Tổng công ty đã tham gia Tiểu ban Kỹ thuật, Tiểu ban Xúc tiến thương mại của SEAISI, tham gia xây dựng các báo cáo chuyên đề về kỹ thuật, quản lý sản xuất, an toàn lao động, bảo vệ môi trường... 

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng tích cực đồng hành cùng VSA tham gia các hoạt động của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cũng như các tổ chức, Hiệp hội trong ngành thép khác tại Việt Nam, các hội nghị, hội thảo quốc tế về thép và các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế do VSA tổ chức.

3. Về công tác phòng vệ thương mại

VNSTEEL đã đồng hành với VSA tham gia tích cực vào việc xây dựng và đề xuất áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước; tham gia các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng đối với sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam. 

Trong giai đoạn từ 2004 đến đầu năm 2022, tổng cộng đã có 66 vụ việc từ các nước như Hoa Kỳ, Malaysia, Canada kiện thép Việt Nam, mà phần lớn là các vụ kiện chống bán phá giá (37 vụ). Ngoài ra, Việt Nam cũng có tổng cộng 9 vụ kiện nhà SX thép nước ngoài, chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá (6 vụ) và tự vệ thương mại.

Một số định hướng phát triển trọng tâm của VNSTEEL trong thời gian tới

1. Công ty mẹ SCIC – trong vai trò là Nhà đầu tư Chính phủ đã cam kết tiếp tục tích cực đồng hành cùng VNSTEEL trong mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, từ hỗ trợ tài chính cho đến quản trị, góp phần tạo điều kiện phát huy hiệu quả SXKD tại VNSTEEL và các đơn vị thành viên;

2. Đẩy mạnh công tác tái cơ cấu nhằm tập trung vốn và nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính và có hiệu quả cao;

3. Đầu tư mới một số dự án trọng điểm nhằm nâng cao công suất, cải thiện năng lực cạnh tranh và vị thế của VNSTEEL trên thị trường trong nước và thế giới;

4. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng năng suất và hiệu quả quản trị;

5. Tăng cường trang bị công nghệ tiên tiến, áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật để hoạt động sản xuất thép ngày càng thân thiện hơn với môi trường; 

6. Bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án giai đoạn 2 -Tisco và VTM.

7. Ngày 25/04/2022, Bộ Công Thương đã có công văn số 2152/BCT-CN kính gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chủ trương đúng đắn để ngành thép Việt Nam phát triển bền vững và ổn định, phát triển công nghệ ngành thép theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, đồng thời tạo dựng khuôn khổ pháp lí đủ rộng và hiệu quả cho việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước. Vì vậy trong thời gian tới, trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Chính phủ, VNSTEEL sẽ bám sát các chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, Bộ công thương cùng các Bộ ngành liên quan, VSA để triển khai tốt nhiệm vụ này.

Những cam kết của VNSTEEL trong quá trình đồng hành cùng VSA trong thời gian tới

Trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển, tầm nhìn và sứ mệnh mà VNSTEEL kiên trì theo đuổi, VNSTEEL và các đơn vị trong hệ thống cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng VSA trong sự nghiệp phát triển ngành thép Việt Nam, thông qua các hoạt động chính như: 

  1. Tích cực tham gia xây dựng chính sách quản lý ngành thép, chủ động đưa ra các đóng góp và kiến nghị bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép; tham gia công tác phòng vệ thương mại và đưa ra góp ý về mặt kỹ thuật cũng như thương mại liên quan đến ngành thép;
  2. Tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất, và thực hiện mục tiêu sản xuất thép "xanh", đáp ứng các tiêu chuẩn của Châu Âu khi việc áp thuế khí thải cho các sản phẩm sản xuất đang là xu hướng của thời đại.
  3. Tích cực đồng hành cùng VSA trong các hoạt động quan hệ hợp tác quốc tế, quảng bá ngành thép Việt Nam ra thế giới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kinh tế quốc tế;
  4. Thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội, hỗ trợ cộng đồng thông qua các khoản đầu tư và hoạt động xã hội tích cực, thực hiện đầy đủ chính sách an toàn lao động, hoàn thành tốt vai trò cung ứng các sản phẩm thép phục vụ đời sống nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

4-7-9 Các đề xuất của VNSTEEL

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, các doanh nghiệp ngày càng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường sản xuất. Tuy nhiên, để nâng cao tính cạnh tranh, tạo “thế đứng” vững chắc cho sản phẩm hàng hóa, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, việc tăng cường kết nối và phát triển các hội viên của VSA là hết sức cần thiết. 

Từ thực tiễn hoạt động của VSA trong thời gian qua và căn cứ và định hướng phát triển của ngành thép trong thời gian tới, VNSTEEL đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vị thế, vai trò của VSA trong thời gian tới như sau:

  1. Đẩy mạnh hơn nữa vai trò tư vấn về chính sách, đặc biệt các chính sách liên quan đến hoạt động ngành thép. Trước mắt, VSA và các đơn vị thành viên cần chủ động đề xuất tham gia với tinh thần nghiêm túc và ý thức trách nhiệm cao vào quá trình xây dựng và trình cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Chiến lược Phát triển của ngành thép Việt Nam;
  2. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của nhà nước tới các hội viên;
  3. Phát huy hơn nữa vai trò là đầu mối tổng hợp các vướng mắc của tổ chức hội viên và đề xuất các kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và đặc biệt có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động của các hội viên;
  4. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng và đủ về hoạt động của ngành thép;
  5. Tăng cường hoạt động gắn kết các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội, ngành hàng trong cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh kim loại với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng phối hợp tiêu thụ các sản phẩm phụ trợ;
  6. Tăng cường kiến nghị, đề xuất với các cơ quan nhà nước quản lý thị trường  các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, phát triển hệ thống phân phối thép hiện đại, minh bạch và hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường thép;
  7. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm gang, thép;
  8. Tổ chức thống kê đầy đủ, khoa học, phân tích, dự báo cung cầu (số liệu của VSA nhiều năm chưa có nhiều thay đổi, chưa bao trùm toàn ngành; nhiều số liệu chưa có, chưa rõ ràng);
  9. Tích cực vận động, thuyết phục và mời gọi các doanh nghiệp thép hiện đang đứng ngoài VSA tham gia và đóng góp cho Hiệp hội.

Với vai trò là thành viên sáng lập VSA, trong suốt 20 năm qua VNSTEEL đã tích cực tham gia và đóng góp nhiều hoạt động cho sự phát triển của Hiệp hội Thép Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng VSA và các thành viên Hiệp hội để chung tay xây dựng ngành thép Việt Nam phát triển mạnh mẽ và vững bền trong tương lai.

Lê Song Lai
Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP