Tổng Công ty Thép Việt Nam-CTCP (VNSTEEL) và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng nhau ký Biên bản hợp tác toàn diện

Ngày 02/03/2016 tại Hà Nội, Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP (VNSTEEL) và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (GDGMV) đã cùng nhau ký vào Bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện giữa hai đơn vị (gọi tắt là “Bản ghi nhớ hợp tác”).

03/03/2016 03:00

Ngày 02/03/2016 tại Hà Nội, Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP (VNSTEEL) và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (GDGMV) đã cùng nhau ký vào Bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện giữa hai đơn vị (gọi tắt là “Bản ghi nhớ hợp tác”).

Bản ghi nhớ hợp tác này sẽ tạo khuôn khổ mở rộng và gìn giữ sự hợp tác trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản mà hai Bên cùng quan tâm, nhằm duy trì và làm cầu nối giữa đơn vị sản xuất với cơ quan quản lý hoạt động khoáng sản.

Nội dung chính của “Bản ghi nhớ hợp tác”

Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa và Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương cùng nhau ký kết Bản ghi nhớ hợp tác

Hợp tác nghiên cứu địa chất, khai thác mỏ nguyên liệu (quặng sắt, than, đá vôi, đôlômit, sét và vật liệu chịu lửa .v.v.) phục vụ cho sản xuất gang thép của VNSTEEL. Hai Bên sẽ là cầu nối để mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ với nước ngoài về hoạt động khoáng sản, trong đó chú trọng hợp tác với các quốc gia, khu vực ASEAN và các nước đang phát triển có tiềm năng khoáng sản làm nguyên liệu cho sản xuất thép mà hiện tại trong nước không đáp ứng được.

Hợp tác trong xây dựng quy hoạch, chiến lược, tư vấn và quản lý hoạt động khoáng sản: Trao đổi thông tin và cập nhật số liệu về khoáng sản và những thay đổi về pháp luật, chính sách, chiến lược và nhu cầu sử dụng khoáng sản cho sản xuất gang, thép; Hợp tác trong lĩnh vực tư vấn về các hoạt động điều tra, đánh giá, thăm dò, lập dự án khai thác, tuyển các khoáng sản cho sản xuất gang, thép.

Ông Nghiêm Xuân Đa – Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP phát biểu tại Lễ ký kết

Phát biểu tại Lễ ký kết Ông Nghiêm Xuân Đa – Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP cho biết:

Hiện toàn Tổng công ty có 06 Công ty khai thác, tuyển và chế biến khoáng sản cho nhu cầu sản xuất thép (quặng sắt, than mỡ, đá vôi, đôlômít, quắczít, đất sét trắng và sét chịu lửa ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng. Lào Cai, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Dương và Hà Tĩnh). Trong đó, Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO) có 6 mỏ khoáng sản (quặng sắt, than mỡ, Quăczit), Cty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt-Trung (VTM) có 3 mỏ khoáng sản (quặng sắt, đá vôi và Đôlômít) và Công ty Cổ phần Trúc Thôn có mỏ đất sét và vật liệu chịu lửa.

Quá trình hoạt động khoán sản của các đơn vị đã góp phần tăng trưởng và mang lại hiệu quả cho sản xuất của VNSTEEL. Việc khai thác và tuyển khoáng sản đảm bảo quy trình quy phạm thiết kế được duyệt, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Để triển khai “Bản ghi nhớ hợp tác” VNSTEEL cam kết sẽ tập trung nguồn lực và chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thực hiện các nội dung nêu trong “Bản ghi nhớ hợp tác”.

Ông Đỗ Cảnh Dương - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết

Trong bài phát biểu của mình Ông Đỗ Cảnh Dương - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẳng định:

Hoạt động hợp tác giữa Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Thép Việt Nam đã có những thành quả nhất định, trong đó đáng ghi nhận là hoạt động hợp tác nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thành công mẫu công nghệ luyện quặng sắt laterit Tây Nguyên Việt Nam thành gang, đó là nguồn tài nguyên rất lớn bổ sung nguyên liệu cho ngành luyện kim Việt Nam trong tương lai. Kết quả đó đã để lại dấu ấn lớn trong mối quan hệ hợp tác hai Bên. Bên cạnh đó, công tác xem xét và cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cũng đã được hai bên chú trọng hợp tác thực hiện.

Trên cơ sở những thành quả đó, chúng tôi mong muốn rằng hoạt động hợp tác giữa hai Bên ngày càng được phát triển và tăng cường trong các lĩnh vực hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, công nghệ chế biến sâu, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển ngành luyện kim Việt Nam, đồng thời góp phần tăng cường năng lực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản.