Thép chữ V và câu chuyện niềm tin
18/09/2017 15:34
Đến Cần Thơ ai cũng mong được ghé qua bến Ninh Kiều để “thấy chàng đợi người yêu” và say đắm ngắm nhìn “chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm”. Mềm mại là vậy nhưng người miền Tây nói chung trong đó có Cần Thơ luôn mang trong mình dòng máu trượng phu trọng nghĩa nặng tình, thủy chung sau trước đến vô cùng.
Chả thế mà chính tại nơi đây đã có một câu chuyện cổ tích giữa đời thường về sự trở lại thành công của một sản phẩm dân dụng được đã có hơn 40 năm được người tiêu dùng yêu thương sử dụng. Đó chính là câu chuyện giành lại thị trường miền Tây của những cây thép mang thương hiệu chữ V của Công ty THHH MTV Thép miền Nam – VNSTEEL.
Công ty TNHH MTV Thép miền Nam – VNSTEEL có tiền thân là Nhà máy Thép Phú Mỹ được kế thừa từ tên gọi của Thép miền Nam cũ - một đơn vị được thành lập từ năm 1976 ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước. Năm 2007, Nhà máy Thép Phú Mỹ được đổi tên thành Công ty Thép miền Nam và từ 2015 chính thức đổi thành Công ty TNHH MTV Thép miền Nam-VNSTEEL, một đơn vị trực thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL). Như vậy là trong thực tế, Thép miền Nam đã có lịch sự đến hơn 40 năm ra đời và phát triển, do vậy, thép chữ V của Thép miền Nam đã là một sản phẩm ăn sâu vào tiềm thức về một loại thép chất lượng, uy tín nhất của người Việt, đặc biệt là với người dân miền Tây. Quá khứ đã là như vậy, song thật đáng tiếc, trong khoảng những năm 2008 trở lại, cách quản trị, điều hành sản xuất và kinh doanh tầng tầng lớp lớp cồng kềnh, dàn trải của Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP đã vô hình chung đã kìm hãm sự phát triển của Thép miền Nam. Một nội lực dàn trải và không được quyền tự chủ ra quyết định khiến cho Công ty Thép miền Nam đã ngày càng xuất hiện khó khăn, thép chữ V đã tự mình thu hẹp thị trường, làm người tiêu dùng truyền thống thất vọng. Các nhà đại lý cấp 1 ở miền Tây vốn thủy chung là thế song cũng không thể không thay đổi. Dần dà, thương hiệu thép chữ V đã đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn trong thị trường…
Thì đúng lúc đó, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP thực hiện tái cấu trúc bộ máy kinh doanh, giải thể 5 chi nhánh trực thuộc với 171 con người từ bao lâu nay chỉ phục vụ cho kinh doanh thép chữ V của Thép miền Nam, nhiệm vụ kinh doanh nay đã được trao lại toàn quyền cho Thép miền Nam. Thép miền Nam bắt tay vào cải tổ công tác thị trường bằng việc xây dựng bộ máy bán hàng chỉ với 31 người. Nhiệm vụ hàng đầu sau giấc ngủ dài của Thép miền Nam là xây dựng lại uy tín với khách hàng, thứ hai là chia sẻ lợi ích với khách hàng bởi nhà sản xuất và khách hàng cùng chung một con đường nên dĩ nhiên sẽ chung cả lợi ích lẫn khó khăn. Triết lý này được truyền đạt tới các nhà phân phối chính, được triển khai trong thực tế hàng ngày với mục tiêu gây dựng lại uy tín đã từng có tại miền Tây. Thép miền Nam hiểu rằng, trong kinh doanh, chi phí từ sản xuất xuống người tiêu dùng ít nhất, thấp nhất sẽ là tối ưu nhất. Điều này chỉ có thể thực hiện khi giảm thiểu các khâu trung gian. Và “luồng gió” tái cấu trúc với sự mạnh mẽ, quyết liệt đã mang lại sự tinh giản và hiệu quả cần có cho một doanh nghiệp đang muốn thay đổi, khát khao lấy lại sự tin yêu của người tiêu dùng.
Nhớ lại những tháng ngày không thể quên này, ông Nguyễn Đình Phúc, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thép miền Nam chia sẻ: “Khi tái khởi động, lãnh đạo Tổng công ty mà trực tiếp là Tổng giám đốc và tôi, cả hai đều trần lưng ra để tìm cách giải quyết khâu thị trường. Chúng tôi dành 5 ngày đầu tiên đi xuống miền Tây, gặp gỡ các nhà phân phối cấp 1 để tìm hiểu tâm tư của họ, rồi nói chuyện với họ về định hướng mới của Công ty và đưa ra cam kết. Mình cứ nói thôi, họ cũng cứ nghe thôi, còn muốn họ tin thì phải kiên nhẫn. Mình cứ làm những gì cần làm, khách hàng sẽ hiểu ra nỗ lực của mình, có thể là nhanh nhưng cũng có thể là lâu. 1 năm, 2 năm, từng bước một và không được nóng vội… Nhưng ngay cả trong những ngày tháng “down” nhất đó, trong thâm tâm, tôi luôn tin là khách hàng chưa hết tình với Thép miền Nam”. Quả thật niềm tin đó đã hoàn toàn có cơ sở! Tất cả những khách hàng thân thiết của Thép miền Nam phần lớn là ở miền Tây và đều đã gắn bó với đơn vị từ sau ngày giải phóng chứ không phải một sớm một chiều gì. Nhận thấy thép miền Nam suy yếu, họ cũng buồn lắm. Cho nên khi mà lãnh đạo lớn đích thân đi xuống nói chuyện, chia sẻ và cam kết về một sự thay đổi tích cực thì họ xúc động lắm, niềm tin trở lại dần trong họ. Ông Phúc chia sẻ thêm: “Các nhà phân phối thép lâu năm đều là những nhà phối lớn, có năng lực mạnh và vì vậy họ có rất nhiều lựa chọn trong việc xem ai là đối tác. Tuy nhiên, may mắn cho chúng tôi là trong họ luôn in đậm một tình cảm sâu nặng với thép chữ V, với Công ty Thép miền Nam, họ luôn chờ đợi sự quay lại của chúng tôi, của một sản phẩm thép mà với họ luôn là thép tốt nhất Việt Nam”.
Thép miền Nam thực hiện tái cấu trúc vào tháng 7/2014 và đến 1/1/2015 thì chuyển thành Công ty TNHH MTV, đến cuối 2015 đã đạt kết quả rất đáng vui mừng: Về sản xuất phôi, lần đầu tiên đạt được kế hoạch 560 ngàn tấn, vượt so với mức độ bình quân trước đây cũng chỉ có được 480 ngàn tấn, vượt trung bình 5 năm về trước là 12% so với thiết kế, vượt 25% so với cùng kỳ của 5 năm gần đó. Về sản xuất thép cán vượt 16% so với trung bình 5 năm liền kề trước đó, vượt 10% so với thiết kế. Đây cũng là lần vượt đầu tiên của Công ty. Cuối cùng, về tiêu thụ vượt 23% so với trung bình 5 năm trước đó. Lợi nhuận đạt trên 300 tỷ trước thuế. Vượt ra ngoài ý nghĩa của những con số, sự tăng trưởng này là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy Thép miền Nam đã không phụ lòng người tiêu dùng cả nước nói chung, những khách hàng miền Tây ruột thịt nói riêng khi được chính họ trao tặng cho cơ hội lần hai.
Mới đây, trong trò chơi hỏi đáp tìm hiểu về hàng Việt Nam tại buổi lễ Khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức tại Cần Thơ, có một vài câu hỏi tìm hiểu về kiến thức liên quan đến Thép miền Nam. Ví dụ như “Dấu hiệu nhận biết thương hiệu của Thép miền Nam là chữ gì”. Thật xúc động khi cả 10 người chơi hôm đó đều nhất loạt trả lời là “Thép chữ V”. Khi được hỏi kỹ hơn thì anh Nguyễn Quốc Việt, lao động bình thường ở Cần Thơ tâm sự: “Em và bạn bè, đồng nghiệp của em đều rất ưa chuộng sử dụng hàng Việt Nam. Đối với sản phẩm thép thì em còn rành hơn vì hiện em đang xây nhà, bạn bè của em đều đã xây dựng nhà cửa bằng thép chữ V nên họ mách lại cho em. Dù em không biết rõ về công ty sản xuất nhưng em biết rõ về mặt hàng và dấu hiệu nhận biết của nó”.
Câu chuyện của chàng thanh niên Cần Thơ đã tự nó nói lên rất nhiều điều về tình yêu thương, sự ủng hộ gần như tuyệt đối cho Thép miền Nam của khách hàng tại thị trường trọng yếu này. Cho dù vậy, danh vị này không phải bất biến bởi hơn ai hết, Thép miền Nam đã từng nếm mùi cay đắng khi đã ngủ quên trong chiến thắng. Chính vì vậy, việc viết tiếp câu chuyện tăng tưởng, phát triển sản xuất kinh doanh để luôn giữ vững vị trí của mình mãi là quyết tâm của Ban lãnh đạo, người lao động của Công ty cũng như toàn hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP. Nhưng lý do tình hơn nữa, đậm sâu hơn nữa còn là để trả một món nợ ân tình mà Công ty TNHH MTV Thép miền Nam đã “nợ” người những dân miền đô thị sông nước sâu nghĩa nặng tình.