Tăng “sức đề kháng” cho ngành Thép Việt Nam

Phôi là nguyên liệu chính để cán thép và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Tự chủ được nguồn phôi sẽ góp phần quan trọng đảm bảo sản xuất ổn định, hạ giá thành sản phẩm, qua đó ngành Thép Việt Nam sẽ đứng vững trước những biến động bất lợi từ thị trường thế giới.

22/10/2012 00:00

Phôi là nguyên liệu chính để cán thép và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Tự chủ được nguồn phôi sẽ góp phần quan trọng đảm bảo sản xuất ổn định, hạ giá thành sản phẩm, qua đó ngành Thép Việt Nam sẽ đứng vững trước những biến động bất lợi từ thị trường thế giới.

Cách đây 5 năm, chúng ta phải nhập 70-80% lượng phôi phục vụ sản xuất thép. Đến nay, chúng ta đã tự chủ được 70% nhu cầu phôi cho sản xuất. Thậm chí nếu trong nước không sử dụng hết, lượng phôi dư thừa hoàn toàn có thể xuất khẩu.

Phôi nội hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cán thép

Hiện cả ngành Thép có 21 doanh nghiệp (DN) sản xuất phôi với tổng công suất trên 6 triệu tấn/năm. Năm 2010 sản lượng phôi đạt gần 3,53 triệu tấn (chiếm gần 60%). Lượng phôi sản xuất trong nước sẽ tiếp tục tăng dần về sản lượng trong thời gian tới khi các dự án đang triển khai đi vào hoạt động.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ông Phạm Chí Cường khẳng định, trong thời gian tới, sản xuất phôi thép trong nước có thể đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu cán thép trong nước.

Nguồn cung phôi nội không thiếu song năm 2010 chúng ta vẫn nhập khẩu 30% lượng phôi. Lý giải về điều này, ông Cường cho biết, giá phôi ngoại và nội thường chênh lệch nhau, tùy từng thời điểm mà giá phôi nội cao hoặc thấp hơn ngoại.

DN sẽ chọn mua phôi có giá thấp hơn để tiết kiệm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, cơ cấu DN nhiều thành phần, nên nguồn phôi cũng khác nhau. Những DN liên doanh hoặc có vốn nước ngoài sẽ chọn sử dụng phôi của công ty mẹ tại chính quốc do được ưu đãi về giá.

Thêm vào đó, giai đoạn mới triển khai nhà máy do công nhân chưa làm chủ được công nghệ nên chất lượng phôi chưa đảm bảo. Điều này cũng khiến nhà sản xuất thép “ngại” phôi nội. Vì thế, nhiều DN trong nước chưa tin tưởng vào chất lượng phôi nội nên cũng chưa mạnh dạn sử dụng phôi “Made in Viet Nam”.

Tuy nhiên, càng ngày chất lượng cũng như sản lượng phôi nội càng được nâng cao để đáp ứng yêu cầu cao của sản xuất.

Lợi thế của phôi sản xuất trong nước

Từ năm 2005 đến nay, nhiều DN đã đầu tư sản xuất phôi như Tổng Công ty Thép Việt Nam, Hòa Phát, Việt  Ý, Thép Việt. Đây là những DN lớn nên đều chọn đầu tư công nghệ hiện đại (có nguồn gốc từ các nước công nghiệp hiện đại G7,G8) nên sản phẩm chất lượng tốt không thua kém nước ngoài.

Những nhà máy sản xuất phôi này đều có công suất lớn (500.000 tấn), cho chất lượng cao. Với tổng công suất trên 2 triệu tấn/năm, lượng phôi chất lượng cao bổ sung cho thị trường đã tăng đáng kể, góp phần giảm mạnh thị phần phôi nhập khẩu, mang lại niềm tin và sự yên tâm cho DN cán thép.

Kinh tế thị trường không buộc DN cứ phải mua hàng trong nước. Họ có quyền lựa chọn sản phẩm và giá cả phù hợp.

Tuy nhiên, sản xuất phôi trong nước hiện đã cao hơn nhu cầu trong nước, do vậy ông Cường cho rằng nên khuyến khích tiêu thụ trong nước để phát triển ngành sản xuất phôi nội. Hiện Nhà nước vẫn áp thuế (7%) đối với phôi nhập khẩu để khuyến khích tiêu thụ phôi sản xuất trong nước.

Hơn thế nữa, sử dụng phôi nội DN sẽ có lợi thế về tỷ giá ngoại tệ, chi phí vận chuyển, lưu kho so với mua phôi ngoại. DN có thể mua ngắn hạn theo tháng chứ không bị ràng buộc mua theo quý và phải đợi vài tháng phôi mới về đến nhà máy. Ngoài ra DN sẽ được thêm một cái lợi do quay vòng vốn nhanh hơn và không phải chịu thiệt khi giá phôi giữa các quý chênh nhau quá lớn.

Sử dụng phôi nội sẽ giảm phụ thuộc vào nguồn phôi nhập ngoại sẽ tăng cường sức “đề kháng” cho ngành Thép Việt Nam trước những biến động lớn trên thị trường thế giới.

 

Theo Chinhphu.vn