NatSteelVina triển khai TPM để hoàn thiện hệ thống quản trị hiện đại

Là một công ty liên doanh với sản phẩm mang thương hiệu quốc tế, nên ngay từ năm 2000, Công ty TNHH NatSteelVina đã triển khai áp dụng hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và liên tục cho đến hiện nay.

11/09/2020 16:25

Là một công ty liên doanh với sản phẩm mang thương hiệu quốc tế, nên ngay từ năm 2000, Công ty TNHH NatSteelVina đã triển khai áp dụng hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và liên tục cho đến hiện nay.

Trong những năm qua, bên cạnh hệ thống quản lý ISO 9001, Công ty còn áp dụng nhiều giải pháp để tăng năng suất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm bao gồm đánh giá quản lý toàn diện và cải tiến liên tục. Đã có khoảng 20 dự án cải tiến liên tục được đưa vào chuẩn mực đánh giá, đem lại hiệu quả thiết thực trong doanh nghiệp. Có thể nói, hoạt động cải tiến năng suất của Công ty đã là hoạt động thường xuyên, liên tục và được triển khai rất có hệ thống tại NatSteelVina trong nhiều năm qua.

Do đó, khi nhận thông tin về Chương trình hỗ trợ áp dụng thí điểm công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (Total Productive Maintenance-TPM) cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp của Bộ Công Thương (do Viện Năng suất Việt Nam triển khai), với mong muốn có một góc nhìn khác về hoạt động cải tiến năng suất của đơn vị mình, về quản lý sản xuất hiện đại, Ban lãnh đạo Công ty đã đăng ký tham gia Dự án. Thời gian triển khai dự kiến từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2020. Ngay sau khi tham gia Dự án, một tiểu ban TPM được thành lập do một Phó Tổng giám đốc phụ trách.

Trong đầu tháng 7/2020, chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam và ban lãnh đạo, cùng các thành viên liên quan đến hoạt động sản xuất của Công ty đã có một ngày làm việc khởi động TPM. Tại buổi làm việc này, chuyên gia tư vấn đã khảo sát tổng thể các thiết bị trực tiếp sản xuất, thiết bị hỗ trợ sản xuất và thiết bị gián tiếp khác có liên quan đến sản xuất. Sau đó, đưa ra đề xuất và thống nhất kế hoạch hành động.

Ông Tăng Minh Sơn – Trưởng phòng sản xuất NatSteelVina, trưởng Ban TPM của Công ty chia sẻ, nếu như cách đây chục năm, chỉ cần 1-2 biện pháp cải tiến là có thể giảm được 5-7% chi phí một cách đơn giản, thì nay, để giảm được 1% thôi cũng có thể phải dùng tới 7-8 biện pháp. Chính vì Công ty đã áp dụng cải tiến liên tục được nhiều năm, nên các thông số trong sản xuất của Công ty đã khá tốt, hiệu suất chạy máy thường xuyên đạt ở mức 82-83%, do đó, việc đánh giá chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể OEE (Overall Equipment Effectiveness) phải tăng bao nhiêu phần trăm sau khi triển khai các giải pháp TPM là một bài toán khó, cần được khảo sát và tính toán rất thận trọng. Mặc dù vậy, trong lần triển khai TPM này, Công ty không đặt áp lực phải tiết kiệm nhiều, quan trọng là áp dụng quản trị hiện đại để vận hành bộ máy quản lý sao cho có hiệu quả nhất. Sau khi cùng các chuyên gia tư vấn tính toán kỹ lưỡng, nhóm Dự án quyết định đặt mục tiêu tăng chỉ số OEE lên 1% so với trung bình hiện nay, với phạm vi áp dụng là toàn bộ máy móc của dây chuyền.

Cũng tại buổi làm việc khởi động TPM, các chuyên gia tư vấn đã giúp các thành viên Ban dự án xác định các vấn đề gây tổn thất, lãng phí chính trên dây chuyền và đưa ra những đánh giá nhằm tổng quát hóa và lựa chọn những chủ đề cải tiến trọng điểm với mối quan hệ tối ưu giữa lợi ích mang lại và nguồn lực bỏ ra.

5 dự án cải tiến đã được thông qua và thống nhất triển khai bao gồm:

+ Cải tạo thiết bị điều khiển, đo lường và chấp hành của lò nung;

+ Thay đổi cơ cấu truyền động sản nguội cán thanh từ thủy lực sang điều khiển bằng động cơ Start/Stop;

+ Nâng cấp cải tạo trạm xử lý nước;

+ Hoạt động đào tạo: Nâng cao tay nghề công nhân cán và công nhân vận hành lò nung; Nâng cao tay nghề cho công nhân đồng bộ thiết bị; Nâng cao kỹ năng làm việc cho thợ sửa chữa điện.

+ Hướng dẫn Bảo trì tự quản cho nhân viên sản xuất và thực hành treo thẻ TPM

Ông Sơn cho biết thêm, trong quá trình triển khai TPM một cách bài bản, điều khó khăn nhất chính là nguồn lực. Một số vị trí sẽ phải kiêm thêm nhiều việc, trong khi hiện tại ai cũng đều đã phải làm việc hết công suất rồi. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cũng hết sức tạo điều kiện để nhóm Dự án hoạt động thuận lợi nhất.

Công ty mong muốn, qua đợt triển khai này, mọi người sẽ cùng hợp tác để nâng cao hiệu suất hoạt động của máy móc thiết bị một cách hiệu quả nhất với một hệ thống bảo dưỡng được thực hiện trong suốt vòng đời của thiết bị, đồng thời nâng cao ý thức và sự hài lòng với công việc của người lao động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đưa Công ty phát triển ngày một chuyên nghiệp và bền vững.