Một ngày của anh Sinh
03/09/2018 16:40
Đến khi tận khi kết thúc câu chuyện anh mới nói lý do ngày xưa mặt anh không gầy và môi anh cũng không mỏng như vậy, mà “phinh phính, tròn đầy cơ”. Một trưởng ca có hơn 20 năm kinh nghiệm và 43 năm tuổi đời, câu chuyện của anh Trần Bình Sinh – Trưởng ca sản xuất - Phân xưởng sản xuất, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam – VNSTEEL đã cho tôi hiểu thêm về sự khắc nghiệt, vất vả của nghề luyện thép.
Dường như những lấm lem dầu mỡ làm cho khuôn mặt vốn có rất nhiều nếp nhăn càng hằn sâu hơn, thân hình mảnh khảnh “bơi” trong bộ quần áo công nhân, đầu đội chiếc mũ bảo hộ lao động, tay cầm chiếc bộ đàm to đùng liên tục phát ra những tiếng rè rè, anh Trần Bình Sinh “hiện” ra trước mắt tôi như thế.
PV: Thưa anh Sinh, một ngày làm việc của anh bắt đầu như thế nào ạ?
Anh Trần Bình Sinh (cười): Hơi dài đấy, có đủ thời gian nghe không. Tôi bắt đầu một ngày lao động từ 7h- 7h15 sáng, nhận công việc bàn giao từ ca trước, đọc sổ giao ca, trao đổi những vấn đề tồn tại trong ca trước, kế hoạch sản xuất của ngày hôm nay, tất cả những vấn đề như nguyên vật liệu đầu vào, tình trạng máy móc thiết bị các khu vực… Trong từng khu vực, các tổ trưởng, nhóm trưởng sẽ quản lý, kiểm tra, nếu có vấn đề phải báo cáo lại với mình, còn không thì báo cáo, bàn giao theo sổ sách, qua mail theo quy định. Tiếp sau đó, sẽ triển khai đến các tổ xem còn những vướng mắc gì nữa không. Cuối giờ là phải tổng hợp báo cáo qua email, thống kê số liệu theo từng file, gửi báo cáo toàn bộ từ Bắc vào Nam bao gồm: thống kê số liệu từng mẻ, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, bao nhiêu mẻ, tổng sản lượng, từng loại phôi, từng mác thép theo đơn vị đặt hàng nào… File tiếp theo là văn bản báo cáo bao gồm: thiết bị kỹ thuật, nhân sự, kiến nghị về hững tồn tại về thiết bị, con người, những vướng mắc, những bất hợp lý lên lãnh đạo… Kết thúc là 19h, như vậy một ca làm việc của chúng tôi là 12 tiếng.
Anh Sinh mê mải giới thiệu về mọi ngóc ngách công việc của một trưởng ca
PV: Có gì đặc thù trong sản xuất thép mà không giống với sản xuất các ngành khác không thưa anh?
Anh Trần Bình Sinh: Có chứ. Đặc thù của thép là sản xuất 24/24, không thể nào dừng được, theo một quy trình liên hoàn, từ ngoài bãi liệu, cảng, bốc lên đưa vào nhà liệu, phối liệu vào thùng, chạy qua xưởng sản xuất bằng cầu trục, nạp liệu 130 tấn câu lên, nạp vào lò, hiện tại, 1 mẻ là 4 rọ liệu, khoảng 83 tấn. Khi qua lò sơ luyện EAF còn 75 tấn, qua lò tinh luyện (khử lưu huỳnh) làm đồng đều nhiệt độ sau đó câu lên đúc. Đặc điểm của đúc là có tu đéc, đặc điểm của tu đéc là giống với nguyên lý đòn gánh, quay hai đầu, lúc nào cũng sẵn sàng với 2 mẻ.
1 mẻ đang đúc rót xuống thùng trung gian, từ thùng trung gian xuống 4 dòng, 4 dòng xuống 4 khuôn có bộ dò của rung, kéo ra 4 dòng, cắt 12m là phôi hiện tại mình sản xuất có kích thước 150x150 (phôi vuông 12m), cứ thế, 4 dòng ra liên tục.
Gầy gò mà sức chịu đựng, quán xuyến công việc cực lớn
PV: Như vậy yếu tố an toàn được đặt vào hàng thứ mấy so với tốc độ và chất lượng thưa anh?
Anh Trần Bình Sinh: Thiết bị, con người, bố trí nhân lực, độ an toàn đến máy móc, nhân sự, cả những chỉ tiêu khoa học kỹ thuật… là hàng loạt vấn đề của một nhà máy cũng như của một ca làm việc trong một dây chuyền. Nhưng trong số những vấn đề đó an toàn cho con người và thiết bị là mục tiêu số 1. Thứ hai là đảm bảo chất lượng, sau đó mới tới năng suất chứ không chạy theo năng suất.
PV: Được biết hiện nay Công ty TNHH MTV Thép miền Nam - VNSTEEL đã trang bị dây chuyền công nghệ đúc 4 dòng. Anh thấy sự khác nhau như thế nào so với trước đây?
Anh Trần Bình Sinh: Từ năm 2006-2007 trở về trước Thép miền Nam chỉ có 3 dòng đúc. Từ năm 2017, Công ty đưa vào dòng đúc số 4. Trước mỗi lần thay thùng trung gian, mình phải ngưng tầm 45 phút, bây giờ có thêm dòng đúc số 4, công nhân chỉ ngưng sản xuất 10-12 phút. Đúc 4 dòng, khi ngắt cái đưa chén xả chén đúc tốc độ lớn lên vì nếu bình thường mình đưa tốc độ lớn lên 4 dòng công suất nấu của lò không kịp, không duy trì được tính liên tục. Bây giờ được dòng đúc số 4, ngắt một cái còn 2, 3 mẻ cuối tăng tốc lên đúc mẻ cuối nên hiện tại, thời gian ngưng hầu như là rất ít, chỉ có thời gian vá lò (vá vật liệu chịu lửa của lò sơ luyện EAF). Lò tinh luyện bằng thùng chứa, khi đúc xong, mình vệ sinh sạch sẽ bộ phận thùng rót, do vậy lò sơ luyện là bộ phận quan trọng nhất, vì lò sơ luyện nấu liên tục, không có thời gian vá, nên khi ngưng là kết hợp thời gian vá.
Tự động hóa trong buồng điều khiển từ a đến z
Tiếp theo, các lò nấu bây giờ đều tự động, điều kiển trên buồng điều khiển thông qua hệ thống máy tính, nên thực tế công việc yêu cầu người lao động phải có tay nghề, năng lực, am hiểu tiếng Anh vì toàn bộ dây chuyền là nhập khẩu của hãng Danieli không thể không biết ngoại ngữ mà sử dụng được.
Nói về ngoại ngữ thì Thép miền Nam là cái nôi đào tạo cho công nhân. Không như các doanh nghiệp khác, trước đây định biên một năm chúng tôi phải tham dự 10 lớp học về các vấn đề, hiện tại đã giảm bớt. Ngoại ngữ của anh em ở Thép miền Nam là khá tốt do đặc thù có nhiều chuyên gia nước ngoài cũng như nhà thầu phụ người Indo, Thái Lan, Ý… Họ nói tiếng Anh có khi còn không tốt bằng bọn mình.
PV: Nghe anh nói tôi thấy làm một trưởng ca thật không hề dễ dàng. Vậy chế độ lương, thưởng của anh như thế nào? Đã khi nào anh muốn chuyển công việc khác chưa?
Anh Trần Bình Sinh: Tổng thu nhập của tôi khoảng 20- 22 triệu/tháng. Cũng cao so với mặt bằng chung nhưng nếu làm việc ở các công ty nước ngoài thì còn cao hơn nhiều. Bạn bè tôi – những người học cùng khóa K36 Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khoa Luyện kim đen đang làm ở những nơi như vậy cho tôi biết. Nhưng quả thật, làm việc ở những nơi đó không có tính ổn định nên cũng khó so sánh lắm. Mình giờ tuổi này cũng đề cao sự ổn định cho gia đình đỡ lo lắng. Vả lại môi trường làm việc của Thép miền Nam giờ cũng tốt lắm. Công việc thì quen thuộc quá nên cũng đã gắn bó. Nhà ở Sài Gòn, hàng ngày tôi không có điều kiện đi đi về về, nhưng ở cư xá Công ty cũng rất tốt, an toàn, không phải lo lắng gì, cuối tuần về với vợ con bù đắp sau.
PV: Nhiều kinh nghiệm như anh liệu có thể gặp sự cố trong lao động không?
Anh Trần Bình Sinh: Có chứ, đã sản xuất thép thì khó tránh lắm. Hồi năm 2002, còn đang làm việc ở Công ty Thép Nhà Bè mà bây giờ là Công ty CP Thép Nhà Bè – VNSTEEL, vị trí của tôi là tổ trưởng lò. Thời đó, chưa tới tuổi 30, trẻ trung, nhiệt huyết, đam mê công việc. Tôi bị bỏng do sự cố nổ má kẹp điện cực của lò điện. Thép sỉ bắn tung tóe lên người, cháy hết má, môi, may đôi mắt vì đeo kính bảo hộ nên không bị ảnh hưởng gì, tôi phải nằm ở Bệnh viện Quân y 175 mấy tháng trời, bỏng độ 2. Khi bị nổ, tôi vẫn đủ tỉnh táo chạy ra khóa được van oxi áp lực, đến lúc đưa đi cấp cứu kẹt xe, nóng, bốc hơi, lúc đó mới ngấm đau. Vụ đó tôi mất 6 tháng để điều trị, di chứng để lại là mặt mũi gầy gò như hiện nay, chứ không thì cũng “phinh phính, tròn đầy" mà. Giờ nghĩ đến vụ đó vẫn ám ảnh không thể quên được.
PV: Cảm ơn câu chuyện của anh và chúc anh luôn yêu nghề!
Cư xá yên bình, dễ chịu là chốn đi về của những công nhân xa nhà