Đề cương tuyên truyền: Hội Cựu Chiến binh Việt Nam - 25 năm xây dựng và trưởng thành

Nhân dịp Đại hội Thi đua Cựu chiến binh gương mẫu lần thứ V và Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2014), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam biên soạn Đề cương tuyên truyền. TG trân trọng giới thiệu toàn văn bản đề cương.

19/11/2014 10:28

I. CÁC MỐC LỊCH SỬ QUAN TRỌNG CỦA HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM

1. Thành lập Hội CCB Việt Nam

Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của đông đảo CCB Việt Nam, ngày 06 tháng 12 năm 1989, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ­ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá VI) quyết định cho thành lập Hội CCB Việt Nam.

Mục đích của Hội đ­ược xác định là: Đoàn kết CCB, giữ gìn và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng CSVN, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần và vật chất, gắn bó tình bạn chiến đấu.

Ngày 08/01/2002, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 09 về “Tăng c­ường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB trong giai đoạn cách mạng mới”. Ngày 18/10/2005, Chủ tịch nư­ớc công bố Pháp lệnh CCB đã đ­ược Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua, nhằm thể chế hoá Nghị quyết của Đảng về CCB và Hội CCB Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho Hội CCB hoạt động và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Những quyết định của Đảng và Nhà nước đã tạo cơ sở pháp lý cho Hội CCB Việt Nam hoạt động, không ngừng lớn mạnh.

2. Các Đại hội của Hội CCB Việt Nam

Trong chặng đường 25 năm qua, Hội CCB Việt Nam đã tiến hành 5 lần Đại hội nhiệm kỳ toàn quốc, cụ thể là:

* Đại hội lần thứ I: Họp từ ngày 19 đến 20/11/1992 tại Hội trư­ờng Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 318 đại biểu đại diện cho gần 70 vạn hội viên trong cả nước.

Đại hội suy tôn Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Danh dự của Hội CCB Việt Nam. Th­ượng tướng Trần Văn Quang đ­ược bầu làm Chủ tịch Hội.

* Đại hội lần thứ II: Họp từ ngày 17 đến 18/12/1997 tại Hội tr­ường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 432 đại biểu, đại diện cho 1.350.000 hội viên, sinh hoạt trong hơn 13.000 tổ chức cơ sở Hội cả n­ước.

Đại hội tiếp tục suy tôn Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Danh dự. Th­ượng tư­ớng Trần Văn Quang được bầu lại làm Chủ tịch Hội.

* Đại hội lần thứ III: Họp từ ngày 26 đến 28/12/2002 tại Hội tr­ường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 417 đại biểu đại diện cho hơn 1,7 triệu hội viên, sinh hoạt trong hơn 14.000 tổ chức cơ sở Hội trong cả n­ước.

Đại hội tiếp tục suy tôn Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Danh dự. Đồng chí Trung t­ướng Đặng Quân Thụy được bầu làm Chủ tịch Hội.

* Đại hội lần thứ IV: Họp từ ngày 12 đến 14/12/2007 tại Hội tr­ường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Dự Đại hội có 497 đại biểu đại diện cho hơn 2,2 triệu hội viên, sinh hoạt trong hơn 15.000 tổ chức cơ sở Hội trong cả n­ước.

Đại hội tiếp tục suy tôn Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Danh dự. Đồng chí Trung t­ướng Trần Hanh được bầu làm Chủ tịch Hội.

* Đại hội lần thứ V: Họp từ ngày 18 đến 20/12/2012 tại Hội tr­ường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Dự Đại hội có 510 đại biểu đại diện cho gần 2,7 triệu hội viên đang sinh hoạt trong hơn 16.000 tổ chức cơ sở Hội trong cả n­ước.

Đây là Đại hội quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, thực hiện Kết luận 66 của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị (khoá IX), đoàn kết, tập hợp và phát huy tiềm năng đa dạng, phong phú của các thế hệ CCB, cựu quân nhân, tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ"; triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; là Đại hội đẩy mạnh đổi mới nội dung, ph­ương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, nêu cao vai trò, vị trí của Hội, luôn luôn phấn đấu xứng đáng là lực l­ượng Trung thành - Đoàn kết - Gư­ơng mẫu - Đổi mới, là chỗ dựa tin cậy, là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đại hội tiếp tục suy tôn Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Danh dự và bầu BCH TW Hội khoá V gồm 99 uỷ viên. Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Được được bầu làm Chủ tịch Hội; các đồng chí Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Trung tướng Lê Thành Tâm, Trung tướng Nguyễn Song Phi, Trung tướng Nguyễn Văn Đạo được bầu làm Phó Chủ tịch Hội.

Ngày 04/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời tại Hà Nội. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội đã ghi vào Sổ tang Nhà nước: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam; Anh hùng dân tộc; một Tổng Tư lệnh tài ba lỗi lạc của Quân đội Nhân dân Việt Nam; một vị Tướng huyền thoại được nhân dân cả nước và thế giới tôn kính;…

Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cựu chiến binh Việt Nam luôn khắc sâu hình ảnh một vị Tướng đức sáng, tài cao; nguyện học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xây dựng Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong sạch vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

II. THÀNH TÍCH NỔI BẬT CỦA HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM TRONG 25 NĂM QUA (1989 - 2014)

1. Vận động CCB đoàn kết phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chế độ XHCN

Các cấp Hội và hội viên luôn gương mẫu chấp hành và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tích cực tham gia ý kiến vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng và chương trình phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của chính quyền địa phương. Trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đã đóng góp hàng vạn ý kiến tâm huyết vào văn kiện Đại hội và tích cực tham gia nhiều hoạt động góp phần vào thành công của Đại hội Đảng XI và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI, hàng chục vạn hội viên CCB được bầu vào các cấp ủy Đảng, trong đó 39,5% bí thư, 41,2% Phó bí thư đảng bộ cơ sở, gần 60% Bí thư chi bộ[1] là hội viên CCB. Gần 10 vạn hội viên được bầu tham gia công tác chính quyền[2], đây là lực lượng đang trực tiếp góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền ở cơ sở. Các cấp Hội đã tập hợp, động viên gần 15 vạn CCB là cán bộ đương nhiệm trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp của 5475 tổ chức cơ sở và 39 tổ chức Hội CCB ở các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các cương vị công tác được giao.

Quán triệt và triển khai chỉ đạo của Trung ương, Hội CCB Việt Nam kịp thời ra Tuyên bố lên án và phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Cuối tháng 4/2014, Trung ương Hội CCB Việt Nam đã bàn giao 02 tàu mang số hiệu CQ 1278, CQ 1279 và 6 bản đồ bằng gốm sứ cho Bộ Tư lệnh Hải quân để tặng quân, dân Trường Sa, với tổng giá trị 8 tỷ 300 triệu đồng do cán bộ, hội viên CCB đóng góp vào quỹ Vì Trường sa thân yêu.

Hội tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đoàn kết trong nội bộ Hội, đoàn kết giữa các thế hệ CCB, CQN. Đã phối hợp, tham mưu và trực tiếp tham gia có hiệu quả trong đấu tranh giải quyết những vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân tộc do các thế lực thù địch và các phần tử cực đoan gây ra trên các địa bàn: 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng, giáo xứ Đồng Chiêm (Hà Nội), Tam Tòa (Quảng Bình), Bát Nhã (Lâm Đồng), Mường Nhé (Điện Biên), Yên Khê, Nghi Phương (Nghệ An)…Tham gia làm tốt công tác tuyên truyền vận động thanh niên làm nghĩa vụ quân sự, động viên CCB bám biển, bám rừng, bám đảo, tham gia tuần tra bảo vệ biên giới; gần 10 ngàn CCB giữ chức vụ xã (phường) đội trưởng và phó; gần 20 vạn CCB là tổ trưởng dân phòng, tổ an ninh nhân dân, góp phần giữ vững trật tự, trị an ở cơ sở.

2. Tổ chức, động viên CCB nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vươn lên làm giàu hợp pháp; đẩy mạnh hoạt động tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Toàn Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về đường lối, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước. Các cấp Hội phối hợp với các ngành tổ chức tốt việc bồi dưỡng tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho hàng triệu lượt CCB. Vận động CCB chuyển đổi ngành nghề, dồn điền đổi thửa, xóa bỏ vườn tạp thay giống mới, trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi có giá trị kinh tế cao.

25 năm qua, toàn Hội đã khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn 30 ngàn tỉ đồng từ các nguồn vốn vay (trong đó, riêng tổng dư nợ ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 18.908 tỷ đồng, nợ quá hạn còn 0,79%; vốn nội bộ hội viên góp cho nhau vay không lấy lãi gần 3 ngàn tỷ đồng ), giúp nhau phát triển kinh tế tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động là cựu chiến binh và con cháu. Hàng triệu gia đình hội viên có mức sống khá, nhiều hội viên đã thoát khỏi cảnh nghèo. Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay CCB Việt Nam cơ bản không còn hộ đói, số hộ nghèo toàn Hội chỉ còn 4,22%, cận nghèo 4,28%. Đã xóa được 77.893 nhà dột nát cho CCB ( hiện còn 17.650 nhà CCB dột nát ). Có 21 tỉnh, thành Hội, 76 huyện, quận, 2.428 xã, phường cơ bản không còn hộ CCB nghèo.

Hội khuyến khích hội viên xây dựng các mô hình trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, thành lập các doanh nghiệp sản xuất với nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú, mở rộng các dịch vụ, kinh doanh. Đến nay đã có trên 5.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 995 HTX, 5.265 tổ hợp tác, 52.969 trang trại, gia trại do CCB làm chủ, tạo công ăn việc làm cho 415.596 lao động là CCB, CQN, gia đình chính sách và con em CCB. Nhiều doanh nghiệp có mức doanh thu hàng năm từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng; cá biệt có doanh nghiệp doanh thu đạt hàng ngàn tỷ đồng/năm. Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp CCB có chất lượng cao được người tiêu dùng tin tưởng, một số sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, có được thương hiệu cả trong nước và thị trường quốc tế.

Được sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố đã lập Hội Doanh nhân cựu chiến binh và năm 2013, Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cựu chiến binh giúp nhau làm ăn, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

3. Động viên CCB tích cực tham gia các cuộc vận động, chương trình quốc gia, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa - xã hội

Động viên CCB tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; gương mẫu trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nhiều CCB hiến đất làm đường, trường học, nhà văn hóa. Nhiều công trình mang tên CCB. Thời gian gần đây, hội viên Hội Cựu chiến binh đã hiến đất, làm được gần 52 ngàn km đường giao thông nông thôn, trên 51 ngàn km kênh mương nội đồng, hơn 8.182 cầu bê tông, cầu gỗ các loại, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới. Hội còn tích cực tham gia triển khai các chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, phòng, chống tội phạm, HIV và tệ nạn xã hội, phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.

Ngày 26/8/2013, Hội đã ký với Ủy ban ATGTQG chương trình phối hợp về thực hiện Cuộc vận động “CCB Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông”; ngày 18/4/2014, Hội đã ký với Bộ Công an Chương trình phối hợp về: “Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của đất nước trong tình hình hiện nay”

Các hoạt động ủng hộ “Qũy giảm nghèo”, “Qũy xóa nhà dột nát”, làm nhà tình nghĩa, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giúp nhân dân và CCB bị bão lũ thiên tai, giúp đỡ CCB nghèo, xây dựng quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, “Qũy khuyến học, khuyến tài”… trong toàn Hội phát triển mạnh, đã đóng góp trên 407 tỷ đồng. Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các tỉnh, thành Hội đã xây và trao tặng 87 nhà “Nghĩa tình Điện Biên” cho CCB nghèo tham gia chống Pháp, trị giá 7 tỷ đồng.

4. Phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể, tích cực tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ

Trung ương Hội và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ký kết và tổ chức thực hiện những Chương trình phối hợp với các chủ đề qua từng thời kỳ, phù hợp với nội dung hoạt động của Hội và của Đoàn Thanh niên. Hiện nay đang thực hiện Chương trình phối hợp“Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 2012-2017.

Công tác bồi dưỡng giáo dục thanh niên ngày càng đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp, vừa phù hợp với tâm lý sở thích của thế hệ trẻ vừa gắn với các phong trào của Đoàn như “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội bảo vệ Tổ quốc”; “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”… Các cấp Hội còn tham mưu cho cấp ủy trong phối hợp xây dựng tổ chức Đoàn cơ sở theo phương châm “Ở đâu có tổ chức Hội CCB vững mạnh, ở đó có tổ chức Đoàn, phong trào thanh, thiếu nhi tốt”, tham gia bồi dưỡng hàng vạn đoàn viên ưu tú để giới thiệu kết nạp vào Đảng. Nhiều hội viên được Đoàn cơ sở suy tôn là “Đoàn viên danh dự”, “Bí thư Đoàn danh dự”, “Báo cáo viên của Đoàn”, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Hội đối với Đoàn thanh niên.

5. Tích cực đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước

Tiếp tục phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với Hiệp Hội CCB quốc gia Lào và Hội CCB Cămpuchia. Duy trì quan hệ với tổ chức CCB các nước bạn bè truyền thống Liên Xô cũ, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Venezuela,… Duy trì quan hệ với tổ chức CCB các nước đã từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, chất độc da cam/dioxin, MIA của cả hai phía và bom mìn còn sót lại. Hội đã tham gia đầy đủ và có trách nhiệm các hoạt động của Hiệp Hội CCB các nước Đông Nam Á, Uỷ ban thường trực CCB Châu Á - Thái Bình Dương và Liên đoàn CCB thế giới. Tham gia các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước như Đối thoại Kênh 2 Việt - Mỹ, Đoàn CCB tháp tùng Chủ tịch Nước thăm Mỹ…

Làng Hữu Nghị Việt Nam tại Hà Nội thuộc Trung ương Hội và Làng Hoà Bình tại Quảng Nam - nơi nuôi dưỡng CCB, con cháu CCB bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tiếp tục được củng cố, phát triển, hoạt động tốt, thu hút được sự quan tâm, sự giúp đỡ vật chất, tinh thần của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Việc chăm sóc, điều trị CCB, con của CCB bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ngày càng tốt hơn; chăm sóc điều dưỡng cho hàng nghìn lượt CCB, con cháu CCB.

6. Xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh

Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về thời sự, chính sách, phát huy hiệu quả của mạng lưới hơn 1.200 báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp Hội. Quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hàng năm cho 25 vạn cán bộ từ Trung ương đến chi Hội. Nhờ đó, tình hình chính trị tư tưởng của toàn Hội cơ bản ổn định. Tuyệt đại đa số cán bộ, hội viên tích cực học tập, nâng cao kiến thức về mọi mặt, kiên định, vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

Xây dựng Hội đạt kết quả tốt: Hàng năm tổ chức cơ sở Hội TSVM, hội viên CCB gương mẫu, gia đình CCB văn hóa đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Số tổ chức cơ sở Hội TSVM đều đạt trên 96%, hội viên CCB gương mẫu đạt trên 96%, gia đình CCB văn hóa đạt trên 95%. Không ngừng phát triển thêm cơ sở Hội, kết nạp hội viên mới. Riêng 6 tháng đầu năm 2014 kết nạp được 27.237 hội viên; đưa số tổ chức cơ sở Hội lên 16.588; số hội viên lên 2.782.788 hội viên (tính đến giữa năm 2014), đảm bảo các thôn, bản, buôn làng đều có chi Hội, phân Hội CCB. Riêng khối bộ, ngành ở Trung ương có 43 tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội với hơn 10 ngàn hội viên. Cấp Hội cơ sở chủ trì giúp thành lập và thu hút hơn 1,2 triệu bộ đội xuất ngũ vào các Câu lạc bộ Cựu quân nhân.

Hội đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành cơ quan chức năng tham gia nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, kịp thời ban hành sửa đổi một số chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi của CCB và người có công với cách mạng, từng bước điều chỉnh những chế độ, chính sách chưa phù hợp đối với CCB. Hàng chục vạn CCB qua đời đã được hưởng chế độ tiền tuất và tang lễ chu đáo. Thực hiện chính sách mới của Nhà nước, trong thời gian qua, có thêm hàng chục vạn CCB tham gia chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần.

Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tổ chức gặp mặt, tặng quà cho CCB tham gia kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ (cả nước hiện có 115 nghìn CCB tham gia chống Pháp, trong đó có hơn 26 nghìn CCB trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ).

Trong 25 năm qua, đã có hàng trăm tập thể, hàng trăm cá nhân được tặng Huân chương Lao động các hạng; Hội vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2; năm 2012 được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh; đến nay đã có 21 CCB được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Hàng chục vạn CCB đã được Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền các cấp khen thưởng và tặng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Toàn thể CCB đang phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ V của Hội CCB Việt Nam.

III. HOÀN THÀNH ĐẠI HỘI THI ĐUA CÁC CẤP, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI THI ĐUA CCB GƯƠNG MẪU TOÀN QUỐC LẦN THỨ V VÀ KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP HỘI (1989 - 2014)

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ V đề ra phương hướng chung hoạt động nhiệm kỳ 2012 - 2017 là: Tiếp tục vận động các thế hệ CCB đoàn kết phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và bảo vệ nhân dân; nâng cao tinh thần tự lực, tự cường giúp nhau giảm nghèo nhanh và bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp; duy trì và mở rộng hoạt động đối ngoại; xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới, nâng cao hơn nữa phương thức và hiệu quả hoạt động; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CCB, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ V, các cấp Hội tiếp tục mở đợt sinh hoạt, với tinh thần nghiêm túc phê bình và tự phê bình, nhìn rõ ưu điểm và khuyết điểm để đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết của cấp mình; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Hội năm 2015 và các năm tiếp theo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Hội CCB VN nhiệm kỳ V (2012-2017).

Các cấp Hội tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân để tổ chức các hoạt động phong phú, thiết thực, tổ chức tốt Hội nghị và Đại hội Thi đua các cấp; nêu gương các tập thể và cá nhân CCB gương mẫu, động viên xã hội tri ân các đối tượng người có công, nhất là thương binh, gia đình liệt sỹ, nhằm khẳng định vai trò của Hội CCB VN trong đời sống chính trị, tinh thần, kinh tế, xã hội của đất nước.

Đại hội Thi đua Cựu chiến binh gương mẫu toàn quốc lần thứ V của Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 3/12/2014 kết hợp với kỷ niệm 25 năm thành lập Hội (6/12/1989 - 6/12/2014). Hội đã và đang không ngừng phấn đấu hướng tới hai sự kiện quan trọng đó và chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2015 như: 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2015); 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015); 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015); 70 năm Ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015).

Hội CCB Việt Nam tiếp tục phấn đấu đạt được các chỉ tiêu chính sau:

1- Phấn đấu 100% hội viên kiên định, vững vàng về chính trị tư tưởng.

2- Phát triển được 85-90% trở lên đối tượng đủ điều kiện kết nạp vào Hội.

3- 100% cán bộ Hội được tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp.

4- Những nơi có đối tượng CQN phấn đấu tập hợp từ 60-70% trở lên CQN vào sinh hoạt tại các Câu lạc bộ, Ban Liên lạc truyền thống.

5- Hàng năm 90% trở lên cơ sở Hội đạt TSVM, 95% trở lên “Hội viên gương mẫu” và 90% trở lên gia đình CCB đạt “Gia đình văn hóa”.

6- Mỗi năm giảm từ 2-2,5% tỷ lệ hộ CCB nghèo theo chuẩn mới, các vùng khó khăn giảm từ 3,5-4%.

7- Hoàn thành cơ bản xóa nhà dột nát cho CCB.

8- Hầu hết CCB còn độ tuổi lao động, còn sức khỏe đều được tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng hoặc đào tạo nghề để có cơ hội tìm việc làm.

***

Hội CCB Việt Nam đã đi qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng công cuộc đổi mới của Đảng, dân tộc và đất nước. Đứng trước nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ mới, Hội và các thế hệ CCB Việt Nam nguyện phát huy tinh thần TRUNG THÀNH – ĐOÀN KẾT – GƯƠNG MẪU – ĐỔI MỚI cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Hội, ra sức xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ và vị thế của một đoàn thể chính trị - xã hội, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - HỘI CCB VIỆT NAM



[1]. Có 2360 chủ tịch, phó chủ tịch CCB tham gia cấp ủy xã, phường; 3727 CCB tham gia cấp ủy huyện, quận = 18,3%; 446 CCB tham gia cấp tỉnh, thành = 18,5%.

[2]. 76.800 CCB tham gia HĐND cấp xã, phường = 30,6%; 3930 đồng chí là chủ tịch HĐND = 42,4%; 3688 CCB là Chủ tịch UBND xã, phường = 38,6%; Phó chủ tịch UBND 3656 đồng chí = 28,6%...