Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL ưu tiên đầu tư thiết bị hiện đại
28/08/2017 11:05
Tròn 50 năm đi vào hoạt động, xác định sản xuất, kinh doanh trong một ngành nghề tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể nguy hại đến môi trường, Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (VICASA) luôn nỗ lực đầu tư thiết bị để bảo vệ môi trường. Thậm chí, thiết bị bảo vệ môi trường còn được ưu tiên đầu tư trước thiết bị sản xuất.
Sản phẩm của Vicasa |
Bảo vệ môi trường là giải pháp cốt lõi
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Tổng giám đốc VICASA - cho biết, công ty bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1967, đến nay đã tròn 50 năm tuổi. Với 450 lao động, mục tiêu của nhà máy trong năm 2017 là sản xuất 140.000 tấn thép xây dựng và 160.000 tấn phôi, đạt khoảng 90 - 95% công suất. Tùy theo biến động thị trường có thể tăng lên 170.000 - 180.000 tấn thép trong năm 2107.
"Do đã hoạt động lâu, nhiều thiết bị sản xuất của nhà máy đã cũ. Tuy nhiên, thiết bị xử lý môi trường được công ty thường xuyên đầu tư mới để đảm bảo môi trường xung quanh nhà máy đạt chuẩn" - ông Tiến cho hay.
Theo đó, công tác bảo vệ môi trường của công ty được chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, khi Luật Bảo vệ môi trường, Quy chuẩn Việt Nam thay đổi liên tục, các thiết bị của nhà máy được đầu tư với mục tiêu bằng mọi giá giải quyết được các vấn đề về khí thải, chất thải rắn, nước thải xung quanh khu vực sản xuất, đáp ứng các yêu cầu đề ra. Sau khi qua giai đoạn đầu, những yếu tố gây tác động đến môi trường đã được xử lý, công ty bước sang giai đoạn hai, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, ổn định và hiệu quả hơn bằng các giải pháp đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, từ đó giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Cụ thể, năm 2011, công ty đã đầu tư 40 tỷ đồng cho hệ thống xử lý khí thải và nước thải. Bên cạnh đó, hệ thống dây chuyền cán sử dụng lò nung thỏi và dùng dầu FO để đốt, ống khói cao, xả ra khói đen ô nhiễm vì chưa được xử lý. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã sử dụng hệ thống thu hồi nhiệt, giúp thu hồi và xử lý khói đen, giảm ô nhiễm. Đến năm 2011, công ty tiếp tục chuyển sử dụng dầu FO sang khí nén tự nhiên CNG, giảm khí thải độc hại của lò nung. Tiếp đó, đến năm 2013, công ty bỏ lò nung, chuyển sang sử dụng điện, chấp nhận chi phí cao để bảo vệ môi trường. Đến thời điểm hiện tại, nhờ hợp lý hóa dây chuyền, chuyển thẳng từ đúc sang cán, không phải nung lại phôi nên tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm phát thải.
Với hệ thống xử lý nước thải, do chủ yếu là nước thải sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên (nước thải làm nguội thiết bị đã được tuần hoàn cho sản xuất chứ không thải ra môi trường) nên việc xử lý đã đảm bảo đạt tiêu chuẩn.
Riêng với việc xử lý chất thải rắn là tro xỉ, không có chất gây độc hại đến môi trường, từ năm 2014 trở về trước, công ty bán cho các đối tượng có nhu cầu. Nhưng theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), vài năm gần đây, công ty đã chuyển nguồn chất thải này cho các doanh nghiệp (DN) có chức năng xử lý. Một năm, chi phí dành cho xử lý chất thải rắn của công ty khoảng 500 - 700 triệu đồng.
Ông Tiến chia sẻ, mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ xỉ, và đã kiến nghị tới các cấp với mục tiêu coi tro xỉ là sản phẩm bán thành phẩm của ngành thép vì không có thành phần độc hại, có thể xử lý để ứng dụng cho các ngành công nghiệp khác.
Cần sớm sửa đổi Quy chuẩn 51
Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường nhưng hiện nay, VICASA đang vướng khi áp dụng QCVN 51:2013/BTNMT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép.
Cụ thể, trước đây, khi áp dụng QCVN 19:2009/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ) thì nồng độ CO trong khí thải của công ty đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép.
Tuy nhiên, từ ngày 25/10/2013 ban hành Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT quy chuẩn quốc gia về môi trường kèm theo đó là QCVN 51:2013/BTNMT, trong đó áp dụng thông số ô xy để tham chiếu, với hàm lượng ô xy tham chiếu trong khí thải công nghiệp sản xuất thép là 7% để tính hàm lượng có trị số gốc ô xy như CO, Nox, NO2... Trong khi đó, khí thải được hút trong nhà là toàn bộ lượng khí thải từ trong xưởng được lọc bụi, nên hàm lượng ô xy thải ra được kiểm định đạt xấp xỉ hàm lượng ô xy trong không khí bình thường. Như, hàm lượng tiêu chuẩn khí ô xy bình thường là 21% thì khí thải của công ty khoảng 18 - 19%, trong khi đó, quy chuẩn chỉ cho phép 7% nên không đáp ứng yêu cầu.
Nếu hút khí từ lò cao, lò Mac-tanh luyện thép thì hàm lượng ô xy thấp, nhưng đây là khí thải từ xưởng nên hàm lượng ô xy gần xấp xỉ với hàm lượng ô xy trong không khí. QCVN 51:2013/BTNMT không chấp nhận điều này, chính vì nghịch lý đó đã gây khó khăn cho công ty khi xây dựng báo cáo về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, theo QCVN 51:2013/BTNMT, các nhà máy thép nói chung phải kiểm soát thông số Dioxin/Furan áp dụng từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có một đơn vị duy nhất có đủ chức năng quan trắc và phân tích thông số này, đó là Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường). Với quy định tần suất 3 tháng/lần quan trắc sẽ gây khó khăn cho các DN sản xuất thép trong việc lập báo cáo giám sát môi trường, do không tìm được đơn vị quan trắc, phân tích phù hợp.
Dây chuyền sản xuất thép của Vicasa |
Rất nhiều nhà máy luyện khác cũng đang chịu cảnh tương tự, nên Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ trong việc kiến nghị với Bộ TN&MT xem xét quy định lại hàm lượng ô xy tham chiếu phù hợp với các nhà máy thép sử dụng công nghệ lò điện, hoặc nghiên cứu không áp dụng quy định về hàm lượng ô xy tham chiếu đối với loại hình công nghệ này; đồng thời kiến nghị cho lùi thời hạn áp dụng kiểm soát thông số Dioxin/Furan đến năm 2020, nhằm tạo điều kiện cho các DN có thời gian chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này.
Hiện, Bộ TN&MT đã thành lập Tổ soạn thảo xây dựng lại các Thông tư quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó có QCVN 51:2013/BTNMT. "Do đó, chúng tôi kiến nghị, thời gian tới, QCVN 51:2013/BTNMT cần được điều chỉnh để các chỉ số về môi trường phản ảnh đúng bản chất, giúp công ty yên tâm sản xuất và phát triển" - ông Nguyễn Xuân Tiến cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Tổng giám đốc Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL: VICASA là DN đại chúng lớn, thuộc Khối DN Trung ương nên tất cả các giải pháp bảo vệ môi trường được chấp hành nghiêm túc. Từ việc giám sát định kỳ, đăng ký pháp lý chủ nguồn thải, xả thải, giám sát định kỳ từng quý, làm báo cáo môi trường… công ty đều nghiêm túc thực hiện. Theo kiểm tra của Bộ TN&MT và Sở TN&MT, các tiêu chuẩn yếu tố khí thải, nước thải, chất thải của công ty luôn được đảm bảo |