10 sự kiện nổi bật năm 2014 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn
03/01/2015 08:37
(ĐCSVN) - Khép lại năm 2014, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam điểm lại 10 sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh nổi bật của đất nước như sau:
1. Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) quyết định nhiều vấn đề quan trọng, chuẩn bị một bước cho Đại hội XII của Đảng
Hội nghị Trung ương 9 khóa XI. (Ảnh: Hiền Hòa) |
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, từ ngày 8 đến ngày 14/5/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ 9 để thảo luận, cho ý kiến về: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng; định hướng chỉ đạo đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng; Quy chế bầu cử trong Đảng; việc lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng;...
Đặc biệt, Hội nghị đã xem xét kết quả tổng kết và nhất trí ban hành Nghị quyết (Nghị quyết 33-NQ/TW) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
2. Nhiều dấu ấn trên lĩnh vực đối ngoại
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc (10/2014). |
Trong năm 2014, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động và hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương, tiếp tục góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho đất nước. Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, bạn bè quốc tế, đồng thời chủ động, tích cực đóng góp các sáng kiến tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương và đã đạt được những thành công toàn diện về hội nhập quốc tế bao gồm cả kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và văn hóa xã hội…
Việt Nam đã chủ động thúc đẩy quan hệ với các quốc gia thông qua ngoại giao cấp cao, ngoại giao nguyên thủ. Cụ thể: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc (10/2014), thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus (11/2014); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ (10/2014), thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu (EU), Cộng hòa Liên bang Đức, thăm Tòa thánh Vatican (10/2014)... Đồng thời, Việt Nam cũng ghi dấu ấn tại các diễn đàn đa phương, kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan, Hàn Quốc cũng như mở ra triển vọng hợp tác với các nước ở khu vực Trung Đông...
Cũng trong năm 2014, Việt Nam đã đón nhiều chuyến thăm của nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước: chuyến thăm của Thủ tướng Mai-lai-xi-a (4/2014); chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan (6/2014); chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ (9/2014); Chuyến thăm của Tổng thống Tanzania (10/2014); chuyến thăm của Thủ tướng Cộng hòa Vanuatu (10/2014)...
Năm 2014 ghi nhận nhiều dấu mốc trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước: Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Venezuela (1989 - 2014); Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Peru (1994 - 2014); Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malta (1974 - 2014)... Nhiều sự kiện kỷ niệm quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước đã được tổ chức, qua đó, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng phát triển tốt đẹp.
Trong các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, hay trong thông điệp của các nhà lãnh đạo Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế đều bày tỏ khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, đồng thời khẳng định ý chí, quyết tâm cao độ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. "Ðiểm nổi bật của đối ngoại năm 2014 là đã sát cánh cùng quốc phòng - an ninh trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Trước việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta đã kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta ở Biển Ðông, đồng thời kiên trì đối thoại, tận dụng tất cả các kênh trong quan hệ hợp tác giữa hai nước để tìm giải pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế".
3. Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Năm 2014, kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,cả hệ thống chính trị đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực triển khai thực hiện Di chúc của Bác.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức trong Đảng, trong xã hội.
4. Kiên quyết đấu tranh phản đối hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc hung hăng ngăn cản, ép đuổi, đâm va, |
Đầu tháng 5, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, sử dụng hàng trăm tàu hộ tống, có cả tàu quân sự, máy bay. Các tàu của Trung Quốc đã hung hăng đâm va, phun vòi nước công suất lớn làm hư hỏng nhiều tàu và làm bị thương nhiều cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam; đặc biệt, đã có hành vi vô nhân đạo đâm chìm tàu cá, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của ngư dân Việt Nam. Những hành động này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên biển Đông.
Đồng bào ta ở trong và ngoài nước đã đoàn kết, đồng lòng, kiên quyết phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Lập trường đúng đắn và cách ứng xử đầy trách nhiệm, dựa trên luật pháp quốc tế đã giúp Việt Nam giành được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của dư luận thế giới đối với chính nghĩa của chúng ta, bảo vệ được các lợi ích chính đáng ở Biển Ðông, đồng thời duy trì được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế.
5. Quốc hội thông qua nhiều đạo luật quan trọng và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Văn phòng Quốc hội) |
Tại kỳ họp thứ 7 và 8, Quốc hội Khóa XIII đã tập trung dành thời gian thảo luận, xem xét, thông qua nhiều đạo luật quan trọng và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Cụ thể, kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 16 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, khoa học, công nghệ và môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
6. Năm diễn ra Đại hội của các tổ chức chính trị - xã hội quan trọng
Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. |
Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới”, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII diễn ra từ ngày 26-28/9 đã thống nhất mục tiêu trong nhiệm kỳ tới là: Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội...
Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới, Đại hội toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ V diễn ra từ ngày 2-3/12 đã thống nhất mục tiêu 5 năm tới là: Tiếp tục vận động các thế hệ cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và bảo vệ nhân dân, xây dựng tổ chức Hội trong sạch - vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân.
Cũng trong năm 2014 đã diễn ra Đại hội của nhiều tổ chức như: Đại hội nhiệm kỳ 3 Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam diễn ra trong hai ngày 11-12/12; Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII diễn ra từ ngày 27-29/12; Đại hội lần thứ VIII Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ VIII...
7. Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn
Lễ mít tinh diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN ) |
Năm 2014 đánh dấu nhiều mốc kỷ niệm quan trọng: 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014); 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương (20/7/1954 - 20/7/2014); 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân.
Nhiều hoạt động kỷ niệm sôi nổi, thiết thực, ý nghĩa đã diễn ra tại các địa phương trên cả nước, nổi bật là các sự kiện: Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (ngày 7/5); Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam diễn ra tại Hà Nội (ngày 18/7); Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra tại Hà Nội (ngày 10/10); Mít tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam diễn ra tại Hà Nội (ngày 20/12)...
Các hoạt động kỷ niệm đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc; khẳng định những thành tựu của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; khẳng định sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
8. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt mức cao nhất |
Trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức của kinh tế trong và ngoài nước nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, nền kinh tế nước ta vẫn có những bước phát triển ổn định, nhiều điểm sáng. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam ước tính tăng 5,98% so với năm 2013. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ước tăng 4,09% so với năm trước, là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Thu ngân sách nhà nước đạt 831,19 nghìn tỷ đồng, bằng 106,2% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt mức cao nhất từ trước tới nay, ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Thu hút vốn FDI cả nước đạt 20,23 tỷ USD, tăng 19% so với kế hoạch năm 2014. Tổng thu từ du lịch năm 2014 đạt 230 ngàn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), đạt mức cao nhất từ trước tới nay...
Năm 2014 cũng đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông. Nhiều dự án giao thông quan trọng đã hoàn thành và đưa vào khai thác như: giai đoạn 1 gói thầu xây lắp số 9 thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai... Đặc biệt, một số công trình giao thông trọng điểm chuẩn bị được khánh thành như: công trìnhCầu Nhật Tân, dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài; nhà ga hành khách T2 Nội Bài - một trong những nhà ga hiện đại nhất Việt Nam.... Các dự án này đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm áp lực cho giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
9. Nhiều quyết sách quan trọng về lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Năm 2015 sẽ tổ chức 1 kỳ thi quốc gia. (Ảnh: Việt Anh) |
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có bước quyết định đột phá trong đổi mới thi cử. Đó là, thay vì tổ chức hai kỳ thi riêng rẽ như các năm trước đây, năm 2015 sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Kỳ thi dự kiến sẽ được bắt đầu tổ chức từ 1- 4/7/2015 với 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi 4 môn gồm: 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn để được xét công nhận tốt nghiệp THPT; đồng thời có thể đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
10. Thêm nhiều di sản được UNESCO vinh danh
Quần thể danh thắng Tràng An với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. |
Năm 2014, thêm 3 di sản của Việt Nam đã được Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) vào danh mục Di sản thế giới; hồ sơ “Châu bản triều Nguyễn” được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Như vậy đến nay, chúng ta đã có hàng chục di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể được thế giới vinh danh. Các di sản văn hóa thế giới đã góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh, phong phú và đa dạng về các di sản văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, tăng thêm tình yêu quê hương đất nước và làm sâu sắc niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam. Đồng thời sẽ giúp cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản.