VNSTEEL News 45
Những nội dung chính có trong bản tin tuần này:
- Ngành thép đang vào chu kỳ phát triển mới
- Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Tặng hơn 300 triệu cho gia đình chính sách nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7
- Chuyện về “Xuất khẩu” của Tôn Phương Nam
- Thi công 3 ca để đưa lò cao Nhà máy Gang thép Lào Cai về đích
01/08/2024 15:00
Tin 1: Ngành thép đang vào chu kỳ phát triển mới
Nhu cầu thép trong nước phục hồi
Trong sáu tháng đầu năm 2024, giá thép không thay đổi so với cuối năm ngoái mặc dù sản lượng thép thô tăng 4,1% trong 12 tháng qua. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ thép trong bốn tháng đầu năm đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu thép đang dần phục hồi sau giai đoạn khó khăn và là dấu hiệu tích cực cho thị trường thép, phản ánh sự khởi sắc và tăng trưởng ổn định của ngành công nghiệp sau những biến động kinh tế toàn cầu.
Trong nước, vốn đầu tư toàn xã hội trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giữ mức lãi suất thấp và thúc đẩy cho vay, cơ cấu nợ vay đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu bất động sản cũng đã phục hồi nhẹ khi số lượng nhà ở thương mại được cấp phép tăng 36% trong quí 1-2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chủ yếu đến từ niềm tin của nhà đầu tư về việc đưa vào áp dụng Luật Bất động sản (sửa đổi) 2024.
Các yếu tố tác động từ thị trường nước ngoài
Xuất khẩu thép đã phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là ở thị trường Mỹ, tăng 103% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy thị trường Mỹ vẫn duy trì nhu cầu cao về thép, mặc dù lãi suất vay mua nhà đang ở mức cao.
Một trong những rủi ro chính đối với ngành thép Việt Nam là giá thép từ Trung Quốc. Do Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh chính sách để cứu thị trường bất động sản của nước này, dẫn đến nhu cầu xây mới tăng lên. Các nhà máy thép tại Trung Quốc được vận hành trở lại, tạo ra nguồn cung lớn hơn cho thị trường. Khi không tiêu thụ hết trong nước, lượng thép dư thừa này sẽ được xuất khẩu với giá rẻ hơn, gây áp lực giảm giá thép trong nước. Hiện rủi ro đã được giảm bớt nhờ các biện pháp bảo vệ thương mại của Bộ Công Thương đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc.
Ngành thép đang trên đà phục hồi sau giai đoạn khó khăn, với nhiều tiềm năng cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Sự phục hồi này đến từ nhu cầu trong nước và quốc tế, cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn ngành vẫn phải đối mặt với rủi ro từ giá thép Trung Quốc và sự tranh cãi trong các biện pháp bảo vệ thương mại.
Tin 2: Công đoàn TCT Thép Việt Nam: Tặng hơn 300 triệu cho gia đình chính sách nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), đồng thời hòa chung không khí kỷ niệm chào mừng 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Công đoàn TCT Thép Việt Nam - CTCP đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh nặng do TCT đang phụng dưỡng, tặng quà tri ân các thương binh, con liệt sỹ, con thương binh là đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn TCT.
Hiện tại, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đang phụng dưỡng 1 mẹ Việt Nam anh hùng, 2 thương binh nặng, 2 thương binh, 33 thân nhân liệt sỹ và 550 con thương binh. Nhân dịp này, Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã tặng mẹ Việt Nam anh hùng và 2 thương binh nặng số tiền 1.000.000 đồng mỗi người và 1 túi quà trị giá 300.000 đồng. Với đối tượng thương binh, con liệt sỹ, con thương binh được hỗ trợ 500.000 đồng. Đối với những đơn vị Công đoàn Tổng công ty đến thăm, tặng quà trực tiếp thì NLĐ được nhận thêm 1 túi quà trị giá 300.000 đồng. Tổng số tiền Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP hỗ trợ nhân dịp 27/7 năm nay là 301.500.000 đồng.
Dù trong bất kể hoàn cảnh nào, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP vẫn luôn phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức các hoạt động tri ân thiết thực thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp lãnh đạo, chuyên môn và các cấp công đoàn đối với người có công.
Tin 3: Chuyện về “Xuất khẩu” của Tôn Phương Nam
Tôn Phương Nam được khởi công xây dựng vào cuối 6/1995, tại KCN Biên Hòa, trên cơ sở hợp tác giữa Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP với Tập đoàn Sumitomo Corporation - Nhật Bản và Công ty FIW STEEL SDN. BHD - Malaysia, có dây chuyền mạ kẽm - công suất 100.000 tấn/năm và dây chuyền mạ màu công suất 70.000 tấn/năm. Kể từ đó đến nay, Tôn Phương Nam trở thành một doanh nghiệp có uy tín hàng đầu trong ngành sản xuất tôn mạ mầu, tôn mạ kẽm trong nước.
Tuy nhiên, xuất khẩu khi đó chưa được Tôn Phương Nam chú trọng, chuyến xuất khẩu đầu tiên là vài trăm tấn tôn đi Campuchia đã cho về một kết quả rất khả quan. Đây là một thị trường khá dễ tính với các nhu cầu khá tương thích với thị trường Việt Nam. Tiếp đến là Lào, rồi Thái Lan. Năm 2010, số lượng tôn mầu xuất sang mỗi thị trường này đã đạt xấp xỉ 1 ngàn tấn. Đến năm 2015, Tôn Phương Nam xuất sang thị trường Úc - một thị trường với những đòi hỏi về chất lượng rất khắt khe theo tiêu chuẩn của AS – tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng.
Để có thể triển khai xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này, trước đó, phía Tôn Phương Nam đã phải thực hiện những tìm hiểu, thăm dò về nhu cầu của bên Úc. Còn phía Úc, họ cũng tới Tôn Phương Nam khảo sát và rồi bắt đầu với những đơn đặt hàng rất nhỏ chỉ khoảng 40 tấn trở lại. Nhận được sự hài lòng từ phía đối tác Úc, Tôn Phương Nam mạnh dạn dấn những bước tiếp theo vào thị trường nhiều tiềm năng này. Dần dà, họ đã trở thành khách hàng thân thiết của Tôn Phương Nam. Cũng trong năm 2015, Tôn Phương Nam tiếp tục thâm nhập các thị trường tiềm năng khác và xuất được lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu và thị trường Mỹ. Tiếp sau đó là thị trường châu Âu. Thị trường này cũng được đánh giá là khắt khe bởi những tiêu chuẩn về phát thải môi trường và càng về sau này càng cụ thể hơn với những tiêu chuẩn về cơ chế điều chỉnh cacbon xuyên biên giới - CBAM mà hiện tại đang trở thành một vấn đề nóng với cả thế giới.
sau 20 năm hoạt động, Tôn Phương Nam đã có thêm nhà máy thứ hai ở Nhơn Trạch nâng sản lượng của Tôn Phương Nam tăng gần gấp 3 lần so với lúc ban đầu. Đó là 1 dây chuyền mạ tôn hợp kim nhôm- kẽm (tôn lạnh) dạng cuộn sử dụng công nghệ lò NOF TENOVA (Italia) với công suất 150.000 tấn/năm và 1 dây chuyền mạ màu dạng cuộn với công suất 100.000 tấn/năm. Tôn Phương Nam đã hoàn toàn đủ tiêu chuẩn công nghệ để xuất tôn xuất đi các nước, chinh phục các thị trường khắt khe nhất.
Từ vài trăm tấn xuất một cách “bị động” sang Campuchia cho đến nay là mấy chục ngàn tấn, Tôn Phương Nam giờ đã có mặt ở trên 20 quốc gia trên thế giới, từ châu Á, châu Âu, châu Úc, Đông Nam Á, Tây Á… Gần đây nhất là năm 2023 xuất sang thị trường Puetto Rico. Những quốc gia xa xôi giờ bỗng rất gần nhờ con đường xuất khẩu tôn mạ. Đó là cả một hành trình dài, nhiều cung bậc, cho thấy mục tiêu, khát vọng chinh phục khách hàng không biên giới của Tôn Phương Nam.
Tin 4: Thi công 3 ca để đưa lò cao Nhà máy Gang thép Lào Cai về đích
Chiều 26/7, Đoàn công tác của Sở Công Thương Lào Cai kiểm tra tiến độ thi công, động viên người lao động đang tham gia thi công ngày - đêm tại các vị trí lò cao, lò gió nóng của nhà máy. Báo cáo với Đoàn công tác, ông Trần Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc thứ Nhất, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung cho biết: Hiện nay, thiết bị và vật tư để thực hiện việc sửa chữa lò cao đã nhập và tập kết đủ tại nhà máy, nên trên các vị trí của lò cao, lò gió nóng, hàng trăm công nhân, kỹ sư đang tất bật tăng ca lao động và phấn đấu trong cuối tháng 8 năm 2024 sẽ hoàn thành công tác sửa chữa, kiểm tu nhà máy, chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục lại sản xuất.
Hiện tại, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) đang duy trì lực lượng thường trực 283 lao động là cán bộ, nhân viên VTM, kết hợp với 50 lao động Trung Quốc tham gia sửa chữa, kiểm tu nhà máy. Công ty đang bố trí lao động thực hiện 3 ca thi công đúc đổ vật liệu chịu lửa bề mặt công tác của vách làm mát; thực hiện công tác thay thế mới 113 tấm vách làm mát thân lò cao và tu sửa toàn bộ vật liệu chịu lửa phía trong lò cao, hệ thống đường ống khí than, đường ống gió nóng. Tại lò gió nóng, đến nay đã hoàn thành sửa chữa 220/330 tấn gạch ô tích nhiệt thuộc các lò số 1, 2 và khối lượng thi công còn lại 110 tấn gạch. Dự kiến hoàn thành trước 15/8/2024.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, với việc đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư sửa lò cao, bây giờ chỉ còn đường tiến, không còn đường lùi. Vì vậy, lãnh đạo công ty và toàn thể người lao động, đơn vị đối tác đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa nhà máy vào hoạt động trở lại.
Đoàn công tác của Sở Công Thương Lào Cai đánh giá cao những nỗ lực của công ty và đặc biệt là người lao động đã khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần quyết tâm, chung sức đồng lòng thi đua thi công các hạng mục của nhà máy và mong muốn Nhà máy Gang thép Lào Cai sớm hoạt động trở lại để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động và khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
VNSTEEL News