VNSTEEL News 43

Những nội dung chính có trong bản tin tuần này:

  • Kết quả sản xuất kinh doanh tháng 5 toàn hệ thống VNSTEEL
  • Đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm và làm việc tại Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP 
  • Thép Việt - Sing tổ chức đào tạo sơ cứu cấp cứu cho đội ngũ Sơ cứu cấp cứu của công ty 

14/06/2024 09:51

Tin 1: Kết quả sản xuất kinh doanh tháng 5 toàn hệ thống VNSTEEL 
Hầu hết giá các mặt hàng trên thị trường thép thế giới tháng 5 đều tăng so với tháng trước, ngoại trừ thép phế. Giá bình quân quặng sắt và than cốc tăng mạnh lần lượt 6% và 8% so với tháng 4/2024; giá than mỡ, phôi thép và HRC tăng nhẹ hơn, từ 0,2% đến 2,8%; trong khi giá thép phế giảm 0,6%. Chính bởi nguyên vật liệu đầu vào đi lên đã khiến nhiều mặt hàng thép thành phẩm trong nước buộc phải tăng giá, như tôn mạ, HRC, thép cuộn xây dựng. Tuy nhiên sức tiêu thụ thép của toàn thị trường trong tháng 5 đã chậm lại so với tháng trước. Theo VSA, tiêu thụ nội địa tháng 5 thép các loại là 1,957 triệu tấn, giảm nhẹ 0,6% so với tháng 4/2024, trong đó, thép xây dựng giảm 7,7%; thép cán nguội tăng 10,7% và tôn mạ tăng 7,1%. 
Đối với VNSTEEL, tổng tiêu thụ toàn hệ thống tháng 5/2024 đạt 351.700 tấn tăng nhẹ 1% so với tháng trước và tăng mạnh 59% so với cùng kỳ. Còn tiêu thụ thép xây dựng vẫn nằm trong khó khăn chung của thị trường, giảm 0.51% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ thép cán nguội và tôn mạ đều gấp đôi so với cùng kỳ; so với tháng trước, thép cán nguội tăng 12% và tôn mạ giảm 7%.  
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng tiêu thụ thép thành phẩm đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, mức tăng này có sự đóng góp rất lớn từ các đơn vị thép dẹt, trong đó thép cán nguội tăng 85% và tôn mạ tăng 105% so với cùng kỳ. Kết quả trên thể hiện sự đồng lòng, tăng cường hợp tác trong toàn hệ thống VNSTEEL.   
Nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh hệ thống trong bối cảnh thị trường thép vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn phía trước, VNSTEEL tiếp tục thực hiện hoạt động SXKD trên tinh thần ưu tiên kiểm soát rủi ro, linh hoạt và hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; gia tăng chuỗi cung ứng nội bộ để đảm bảo kết quả kinh doanh hiệu quả. 

Tin 2: Đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm và làm việc tại Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP 
Ngày 06/6/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có buổi làm việc tại Trụ sở chính Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) để nắm tình hình thực hiện quản lý lao động, chế độ lương thưởng của người lao động, người quản lý tại đơn vị.  Nội dung này nằm trong tổng thể chương trình khảo sát hiện trạng để có căn cứ xem xét sửa đổi/xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp đặc biệt là các Doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo các Quyết định 90, 91 của Chính phủ và chuyển đổi thành Công ty CP do nhà nước chi phối.  
 Tham gia buổi làm việc: về phía Bộ LĐTBXH có ông Lê Văn Thanh Thứ trưởng LĐTBXH và các Ông/Bà Lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương của Bộ.  
Về phía Tổng công ty Thép Việt Nam có ông Nghiêm Xuân Đa - Tổng Giám đốc, các Ông Bà thuộc Ban Tổng Giám đốc và các phòng ban chuyên môn nghiệp vụ liên quan. Ngoài ra, đại diện cho Người lao động còn có sự tham gia của Ông Vương Duy Khánh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty. 
 Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo VNSTEEL, Phó Tổng Giám đốc ông Lê Văn Thanh đã trình bày báo cáo về tình hình thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng…. của Tổng công ty giai đoạn 2021 đến 2023 và đã có những kiến nghị cụ thể với Đoàn công tác như: kiến nghị các cơ quan quản lý khi xây dựng chế độ chính sách tiền lương mới quan tâm xây dựng quy định tiền lương, thưởng và các chế độ, quyền lợi liên quan của Người lao động với cơ chế mở, phân cấp áp dụng và giao quyền chủ động cho doanh nghiệp để giúp Doanh nghiệp nói chung cũng như Tổng công ty nói riêng tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động, giữ và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.  
 Tiếp đó, Ông Vương Duy Khánh cũng thay mặt người lao động có thêm ý kiến. Ông cho biết: ngành thép là ngành công nghiệp nặng đặc thù với nhiều vị trí công việc thuộc danh mục nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại…nhưng trong suốt thời gian qua trên tinh thần chia sẻ và thấu hiểu, lãnh đạo Tổng công ty thép, lãnh đạo các đơn vị trong hệ thống Vnsteel đã và đang luôn quan tâm chú trọng đến công tác chăm lo đời sống cũng như đảm bảo an toàn cho NLĐ bằng những hành động thiết thực như: trang bị bảo hộ lao động chất lượng tốt và đầy đủ, tổ chức các bữa ăn ca đảm bảo dinh dưỡng, các chế độ phụ cấp độc hại và các chế độ phúc lợi khác người lao động.... Ngoài ra, các buổi tập huấn, các hội nghị, các cuộc thi về an toàn và vệ sinh lao động cũng được tổ chức thường xuyên mang lại hiệu quả tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh….. 
 Sau khi lắng nghe báo cáo và các đề xuất, kiến nghị của Tổng công ty Thép Việt Nam, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đã phát biểu tại hội nghị: Thay mặt Bộ lao động thương binh xã hội Ông ghi nhận, biểu dương những cố gắng và kết quả đã đạt được của VNSTEEL trong suốt thời gian qua. Thứ trưởng đề nghị VNSTEEL trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật và đặc thù của doanh nghiệp để có cách thức xác định năng suất lao động cũng như các chế độ lương, thưởng, phụ cấp… phù hợp giúp giữ chân, thu hút được người lao động  và các cán bộ có trình độ chuyên môn cao góp phần xây dựng Tổng công ty xứng đáng là một trong những Doanh nghiệp nhà nước tiên phong và dẫn dắt của ngành thép Việt Nam. 


Tin 3: Thép Việt - Sing tổ chức đào tạo sơ cứu cấp cứu cho đội ngũ Sơ cứu cấp cứu của công ty 
Vừa qua, Công ty Thép Việt - Sing đã mời bác sỹ của Phòng khám đa khoa Việt Bắc về đào tạo sơ cứu cấp cứu ban đầu cho 39 người lao động trong đội sơ cứu cấp cứu của Công ty. 
Hiểu được tầm quan trọng của việc sơ cứu cấp cứu khi không may có sự cố tai nạn về con người, và để giảm thiểu mức độ thương tật cho người bị tai nạn, Thép Việt – Sing đã tổ chức đào tạo cho đội sơ cứu cấp cứu của Công ty. Các học viên đã được trang bị kiến thức về sơ cứu cấp cứu để giảm thiểu mức độ thương tật của người bị nạn, nhờ đó bệnh nhân sẽ có cơ hội sống sót, hạn chế thương tật khi được sơ cứu kịp thời và đúng cách. Việc sơ cứu kịp thời sẽ làm cho các chức năng sống bảo tồn, các chức năng sinh hoạt sẽ được phục hồi đối với người bị nạn, bị thương tích hoặc bị bệnh cấp tính. 
Ngoài chương trình học về các chuyên đề về sơ cấp cứu ban đầu, cách phòng chống tai nạn, thương tích và hướng dẫn thực hành các kỹ thuật sơ cứu cấp cứu như: Băng bó các vết thương, kỹ thuật cơ bản cố định gãy xương, kỹ thuật cầm máu tạm thời, các nguyên tắc sơ cứu bỏng, cách cấp cứu điện giật, cách sơ cứu người đuối nước, cấp cứu ngừng tuần hoàn và ngừng hô hấp,… các học viên còn được thực nghiệm qua các câu chuyện thực tế để có thể hiểu rõ được tầm quan trọng của việc sơ cứu cấp cứu. 
 Ngay sau khi học tập lý thuyết, các y bác sỹ đã làm mẫu để học viên dễ hình dung, các học viên được thực hành các kiến thức đã học. Học viên rất hào hứng thực hành các kỹ thuật sơ cứu cấp cứu đã được học. 

VNSTEEL News