Tổng công ty Thép Việt Nam giai đoạn 2000-2004

Tổng công ty tiếp tục tổ chức lại các đơn vị trực thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 10/9/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 134/2001/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thép Việt Nam đến năm 2010. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Tổng công ty thực hiện chiến lược đầu tư phát triển của mình. Trong quyết định đó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định “phát triển ngành thép trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của nền kinh tế; thoả mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất, tạo nhiều việc làm, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Mục tiêu của ngành Thép đến năm 2010, sản xuất phôi thép tăng bình quân 15%/năm; sản xuất thép cán tăng bình quân 10%/năm.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2001-2005 Tổng công ty thực hiện công tác nghiên cứu chuẩn bị, đầu tư chiều sâu các cơ sở hiện có của Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Miền Nam, Công ty Thép Đà Nẵng và đầu tư mới khoảng 11 dự án lớn, trong đó mục tiêu tập trung đầu tư sản xuất phôi thép và thép dẹt.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá IX và Chương trình hành động của Chính phủ, Tổng công ty đã xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng công ty giai đoạn 2003-2005.

Theo đề án được phê duyệt, Tổng công ty giữ nguyên một số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; sáp nhập một số công ty tại khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và chuyển hai công ty thành viên thành công ty cổ phần.

Thời kỳ 2000-2004, Tổng công ty tổ chức triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn, tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp sâu rộng và có nhiều bước phát triển.

Trong 5 năm 2000-2004, Tổng công ty liên tục hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, đạt được các thành tựu nổi bật sau:

- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2004 đạt 4.180 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 17%; năm 2004 tăng 155% so với năm 1995.

- Sản lượng thép cán năm 2004 đạt 1,030 triệu tấn, tăng 96,5% so với năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 17,3%; tính chung 5 năm sản xuất được 3,8 triệu tấn cung cấp cho nền kinh tế, năm 2004 tăng 184,5% so với năm 1995. Đặc biệt, trong giai đoạn 2001-2004 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,5%/năm, góp phần cùng ngành Thép cả nước hoàn thành sớm 2 năm về chỉ tiêu sản lượng thép cán (2,8 triệu tấn) do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra.

- Sản lượng phôi thép 5 năm đạt 2,3 triệu tấn, đáp ứng khoảng 60,5% nhu cầu phôi cho sản xuất thép cán của Tổng công ty; năm 2004 tăng 119,5% so với năm 1995; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2004 đạt 21,5%/năm.

- Tổng doanh thu năm 2004 đạt 13.908,1 tỷ đồng, tăng 117,6% so với năm 2000 và tăng 187,3% so với năm 1995. Trong 5 năm đóng góp cho ngân sách nhà nước 2.050,1 tỷ đồng, năm 2004 tăng 117,7% so với năm 2000 và tăng 187,3% so với năm 1995; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2004 đạt 22,3%/năm.

- Lợi nhuận trong 5 năm đạt 807,7 tỷ đồng, năm 2004 tăng 97,3% so với năm 2000. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2004 đạt 2,6 triệu đồng/người/tháng tăng gấp 3 lần so với ngày đầu thành lập Tổng công ty năm 1995.

Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư cải tạo và đầu tư mới, trong đó nổi bật là các dự án nhóm A như Dự án cải tạo và mở rộng Công ty gang thép Thái Nguyên giai đoạn 1, công suất 24 vạn tấn phôi thép/năm, tổng mức đầu tư 695 tỷ đồng, vào sản xuất năm 2003; Dự án nhà máy Thép cán nguội Phú Mỹ, công suất 205.000 tấn thép băng cuộn cán nguội, tổng mức đầu tư 1.878,8 tỷ đồng; Dự án nhà máy Thép Phú Mỹ, công suất phôi thép 50 vạn tấn/năm, thép cán 40 vạn tấn/năm, tổng mức đầu tư 2.377,8 tỷ đồng; Cải tạo nâng công suất các nhà máy Thép Nhà Bè, Thép Biên Hoà, Thép Thủ Đức của Công ty Thép Miền Nam; Đầu tư khai thác mỏ quặng sắt Ngườm Cháng, Nhà máy cán Thép 30 vạn tấn/năm của Công ty Gang thép Thái Nguyên; đầu tư Lò điện của Công ty Thép Đà Nẵng và Nhà máy gạch ốp lát Trúc Thôn 2 triệu m2/năm v.vv

Cùng với việc triển khai các dự án, Tổng công ty đã nghiên cứu triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S) một số dự án chuẩn bị cho đầu tư phát triển trong giai đoạn 2006-2010 và chuẩn bị cho tương lai.

Cơ cấu chủng loại sản phẩm đã và đang được đa dạng hoá, bên cạnh phôi thép và thép cán (thép thanh, thép dây), đến năm 2005 Tổng công ty có thêm các sản phẩm mới như thép hình, thép lá, ống thép, vật liệu luyện kim và vật liệu xây dựng v.v... Trình độ công nghệ sản xuất, so với thời kỳ năm 1995 đến nay một số nhà máy mới đạt mức tiên tiến trong khu vực và thế giới với thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến.

Tham gia đảm bảo cung cấp đủ thép xây dựng cho nền kinh tế và từng bước xuất khẩu sang một số nước trong khu vực (trước năm 1995 nền kinh tế Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thép xây dựng do Tổng công ty Kim khí làm đầu mối); các thương hiệu TISCO (Công ty Gang thép Thái Nguyên), Thép chữ V (Công ty Thép Miền Nam), Thép “MT”, Thép “DN” đạt tiêu chuẩn chất lượng theo ISO 9001:2000, được người tiêu dùng tín nhiệm và được tặng Huy chương Vàng, các giải Vàng tại các hội chợ triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.