Tổng công ty Thép Việt Nam giai đoạn 1995-1999

Ngày 29/4/1995, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 255/TTg thành lập Tổng công ty Thép Việt Nam. Tổng công ty thực hiện chương trình tổ chức lại bộ máy cơ quan Tổng công ty và sắp xếp lại doanh nghiệp thành viên.

Ngày 25/1/1996, Chính phủ có Nghị định số 03/CP phê chuẩn Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Thép Việt Nam, là một pháp nhân kinh doanh, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước.

Sau khi kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự chủ chốt theo mô hình tổ chức mới, ngày 16/3/1996 Tổng công ty chính thức đi vào hoạt động.

Tại thời điểm triển khai hoạt động theo Điều lệ mới, cơ cấu tổ chức bộ máy Tổng công ty, gồm:

- Hội đồng quản trị, gồm 4 thành viên (Chủ tịch và 3 Uỷ viên); Ban Tổng Giám đốc gồm Tổng Giám đốc và 2 Phó Tổng Giám đốc; bộ máy giúp việc Tổng công ty gồm 7 phòng, ban (Văn phòng, Tài chính kế toán, Tổ chức Lao động, Kế hoạch và Đầu tư, Kinh doanh và Xuất nhập khẩu, Kỹ thuật và Ban dự án công trình mỏ quặng sắt Thạch Khê).

- Các đơn vị thành viên, gồm: 16 đơn vị.

+ Các đơn vị sản xuất và xây lắp: Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Miền Nam, Nhà máy Thép Đà Nẵng - sau đổi thành Công ty Thép Đà Nẵng và Công ty Xây lắp - sau đổi thành Công ty Xây lắp và Sản xuất công nghiệp.

+ Các đơn vị thương mại: Công ty Kim khí Hà Nội, Công ty Kim khí Bắc Thái, Công ty Kim khí Hải Phòng, Công ty Kim khí Đông Anh, Công ty Kim khí Quảng Ninh, Công ty Kim khí TP. Hồ Chí Minh, Công ty Kim khí và Vật tư tổng hợp Miền Trung, Công ty Vật tư thiết bị công nghiệp, Công ty Vật tư thứ liệu Hà Nội và Xí nghiệp Dịch vụ vật tư.

+ Các đơn vị sự nghiệp: Viện luyện kim đen, Trường Công nhân kỹ thuật 3 - Trường Công nhân kỹ thuật luyện kim (sau đổi thành Trường Đào tạo nghề Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên).

+ Tổng số lao động có 24.062 người.

Tổng công ty được xếp doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt theo Quyết định số 185/TTg ngày 28/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời kỳ 1995-1997, các công ty liên doanh với Tổng công ty như Công ty Thép VSC-POSCO, Công ty Ống thép Việt Nam (Hải Phòng); Công ty Thép VINAKYOEI, Công ty Gia công thép VINANIC (Hải Phòng); Công ty liên doanh Trung tâm thương mại quốc tế (thành phố Hồ Chí Minh) hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động.

Đầu năm 1999, để giúp Công ty Gang thép Thái Nguyên giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tổ chức quản lý, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 23/VPCP ngày 11 tháng 2 năm 1999 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển Mỏ đất chịu lửa TrúcThôn, Mỏ Đôlômit Thanh Hoá thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên về Tổng công ty và chuyển cổ phần của 2 liên doanh Vinausteel và Natsteelvina về Tổng công ty.

Tổng công ty đã xây dựng phương án về tổ chức lại Mỏ đất sét Trúc Thôn thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên thành lập Công ty Vật liệu chịu lửa Trúc Thôn về làm đơn vị thành viên Tổng công ty (Quyết định số58/1999/QĐ-BCN ngày 25 tháng 8 năm 1999 của Bộ Công nghiệp).

Cuối năm 1999, Tổng công ty mua lại cổ phần của Công ty Gang thép Thái Nguyên trong các Công ty Liên doanh sản xuất Thép Vinausteel (Hải Phòng) và Công ty TNHH Cán thép Natsteelvina (Thái Nguyên), trở thành đối tác liên doanh của 2 công ty này.

Thời kỳ 1995-1999 là thời gian vừa củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy vừa triển khai hoạt động theo mô hình tổ chức mới của Tổng công ty. Kết quả hoạt động trong 5 năm từ 1995 đến 1999 của Tổng công ty đạt được những thành tựu sau:

- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1999 đạt 1.909,5 tỷ đồng, tăng 16,54% so với năm 1995 (1.638,5 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 5,6%. Thời kỳ này Tổng công ty chủ yếu vận hành theo công suất các nhà máy hiện có.

- Sản lượng thép cán năm 1999 đạt 465.000 tấn, tăng 28,4% so với năm 1995 (362.000 tấn); tốc độ tăng trưởng thép cán bình quân 5 năm đạt 15,4%; tính chung 5 năm sản xuất được 2,2 triệu tấn thép các loại cung cấp cho nền kinh tế quốc dân. Sản lượng phôi thép 5 năm đạt 1,5 triệu tấn, đáp ứng khoảng 67% nhu cầu phôi cho sản xuất thép cán của Tổng công ty.

- Tổng doanh thu năm 1999 đạt 5.967 tỷ đồng, tăng 23,2% so với năm 1995 (4.841 tỷ đồng). Trong 5 năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước 1.125,3 tỷ đồng, năm 1999 tăng 42,4% so với năm 1995.

- Trong 2 năm 1996 và 1997, do kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng khủng hoảng tài chính khu vực nên hoạt động của các doanh nghiệp thành viên gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty đạt thấp, sang năm 1998 Tổng công ty bắt đầu có lãi. Lợi nhuận 5 năm đạt 135,7 tỷ đồng, năm 1999 đạt 81 tỷ đồng tăng gấp 3 lần so với năm 1995.

- Thu nhập bình quân của người lao động năm 1999 đạt 970 nghìn đồng/người/tháng, tăng 12% so với năm 1995 ngày mới thành lập Tổng công ty.

Trong 5 năm, công tác đầu tư phát triển của Tổng công ty chủ yếu tập trung cải tạo, nâng cao công suất các nhà máy hiện có, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với nước ngoài để tranh thủ vốn và công nghệ hiện đại. Đồng thời chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo, Tổng công ty đã phối hợp với Tổ chức JICA - Nhật Bản lập Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thép Việt Nam đến năm 2010; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Nhà máy Thép liên hợp 4,5 triệu tấn/năm tại Hà Tĩnh bằng vốn ODA của Nhật Bản và lập các báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi một số dự án khác.

Ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Tổng công ty đã đi đầu ngành công nghiệp về lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh tự đầu tư, Tổng công ty và Công ty Thép Miền Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên còn góp vốn liên doanh với các Tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Singapore, Malaysia và các tỉnh, doanh nghiệp trong nước thành lập 16 công ty liên doanh với tổng vốn đầu tư 772 tỷ đồng. Đó là: Công ty Thép VSC-POSCO, Công ty Liên doanh sản xuất Thép Vinausteel, Công ty Ống thép Việt Nam; Công ty TNHH Cán thép NASTEELVINA; Công ty Thép VINAKYOEI, Công ty Liên doanh Cảng Quốc tế Thị Vải; Công ty Gia công thép VINANIC; Công ty liên doanh: Trung tâm thương mại quốc tế, Vingal, Nippovina, Tôn Phương Nam, Posvina, Thép Tây Đô, Gia công và dịch vụ Sài Gòn, Cơ khí Việt Nhật và Vật liệu chịu lửa Nam Ưng.

Thành tựu nổi bật của Tổng công ty Thép Việt Nam trong 5 năm là cùng với ngành Thép Việt Nam nỗ lực phấn đấu, cơ bản thoả mãn nhu cầu trong nước về chủng loại thép xây dựng thông thường như thép tròn trơn, thép tròn vằn dạng thanh f 10 -f 40, thép dây cuộn f 6- f10, thép hình cỡ nhỏ và vừa, sản phẩm gia công sau cán (ống thép hàn, tôn mạ) thực hiện được mục tiêu của Bộ Chính trị “trong một số năm trước mắt đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường cho xã hội”.