Trò chuyện ngày 20/10 cùng Bông hoa thép của VNSTEEL

Bà Phạm Thu Hiền - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP  (VNSTEEL), một trong số rất ít phụ nữ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty. Nhân dịp 91 năm kỷ niệm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân mật với bà.

20/10/2021 07:00

PV: Được biết bà tốt nghiệp Đại học sư phạm ngành Toán học, vậy cơ duyên nào lại dẫn bà đến với ngành Thép và gắn bó với ngành Thép trong suốt gần 30 năm qua, thưa bà?

Bà Phạm Thu Hiền: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cả bố và mẹ tôi đều công tác và cống hiến trọn vẹn quá trình công tác của mình cho ngành Thép. Mặc dù phải làm việc trong môi trường rất khó khăn, vất vả nhưng tôi luôn thấy bố mẹ rất yêu nghề nghiệp mà họ đã chọn, rất gắn bó với cái nôi của ngành Công nghiệp Luyện kim Việt Nam, nơi mà đã vinh dự được 03 lần đón Bác Hồ về thăm, chính là Khu Gang Thép Thái Nguyên. Không biết từ khi nào tình yêu ấy thẩm thấu vào tôi, cứ được bồi đắp và lớn dần theo năm tháng. Chính vì lẽ đó, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Toán tôi đã quyết định gia nhập đội ngũ của những người thợ Thép với sự khát khao và mong muốn “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”. Vậy là từ một cô giáo dạy Toán tôi trở thành một cô công nhân hóa phân tích, một công việc hoàn toàn mới mẻ so với những gì mà tôi đã được đào tạo. Song với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết tuổi trẻ, tình yêu nghề đến với tôi rất nhanh, tôi cũng sớm hòa nhập với công việc và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Với khao khát tiếp tục khẳng định mình, lại thêm nhiệm vụ trong môi trường công tác mới, tôi đã cố gắng nỗ lực rất nhiều trong việc trau dồi, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị. Tôi đã đi học và có thêm 3 bằng Đại học nữa đó là Cử nhân Tin học, Cử nhân Quản trị Doanh nghiệp, Cử nhân Triết học-Cao cấp Lý luận chính trị. Với những nỗ lực trong công tác và sự cống hiến cho công tác Đoàn và phong trào Thanh niên tôi đã lần lượt được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên Nhà mày Luyện Cán Thép Gia Sàng, Bí Thư Đoàn Thanh niên Công ty Gang Thép Thái Nguyên. Có thể nói, những năm tháng trên cương vị “Thủ lĩnh áo xanh”  đã rèn luyện cho tôi rất nhiều kỹ năng, cho tôi nhiều hành trang quý giá để đến khi trưởng thành Đoàn, tôi tự tin hơn khi chuyển sang lĩnh vực làm công tác xây dựng Đảng. 

PV: Kể từ khi thành lập Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (1995) đến nay thì bà là một trong số rất ít phụ nữ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty. Bà cho biết cảm nhận của mình khi đảm nhận vị trí là Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ của một doanh nghiệp mà lãnh đạo chủ chốt chỉ có một mình bà là nữ?

Bà Phạm Thu Hiền: Tôi nghĩ rằng, để mỗi chị em phụ nữ trong Tổng công ty có được điều kiện để khẳng định mình, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của chị em thì một yếu tố vô cùng quan trọng đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ và vì sự tiến bộ của Phụ nữ.

Là một trong số ít cán bộ nữ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo của Đảng ủy Tổng công ty, tôi luôn nhận thấy đó là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trọng trách hết sức lớn lao đối với bản thân tôi. 

Như bạn đã biết, Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP là Đảng bộ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối, có chức năng lãnh đạo toàn diện trên tất cả các mặt công tác: sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, tái cơ cấu doanh nghiệp, công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng thông qua việc ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận… để lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện. Chính vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng công ty, ngoài việc nắm chắc nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng thì bản thân tôi cũng phải tìm hiểu để nắm vững được tình hình hoạt động của Tổng công ty, của các đơn vị trong hệ thống Tổng công ty, cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ Tổng công ty đưa ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp, sát thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo tốt mọi hoạt động của Tổng công ty.

Tôi nghĩ rằng trong công việc không có cụm từ “ưu tiên” khi bạn là cán bộ nữ. Tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ không kể đến phạm trù giới tính. Chính vì vậy là nam hay là nữ đều công bằng như nhau. Thậm chí, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thì cán bộ nữ phải cố gắng hơn rất nhiều, vì họ còn phải hoàn thành cả thiên chức của người dâu, người mẹ, người vợ trong gia đình.

PV: Như vậy thì bình đẳng giới ở VNSTEEL diễn ra như thế nào thưa bà?

Bà Phạm Thu Hiền: Với đặc thù là một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, nặng nhọc, độc hại, nên tỷ lệ lao động nữ trong hệ thống VNSTEEL chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số lao động. Tuy nhiên, trong những năm qua, phong trào nữ CNVCLĐ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Tổng Công ty và của các đơn vị trong hệ thống, tạo ra cơ hội cho cán bộ và nữ CNVC-LĐ Tổng công ty và đơn vị trong hệ thống, có điều kiện đóng góp tích cực vào hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh của đơn vị và Tổng công ty; thông qua hoạt động thực tiễn đã phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng giới thiệu nhiều cán bộ nữ có đủ trình độ năng lực và phẩm chất chính trị tham gia vào các cấp uỷ Đảng, bổ nhiệm giữ các chức vụ trong lãnh đạo, quản lý từ Tổng công ty đến các đơn vị. Chỉ tính riêng Cơ quan Tổng công ty, tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo từ Phó ban và tương đương trở lên đã đạt 13/41 đồng chí, chiếm 32%. Đây là con số thuyết phục thể hiện sự bình đẳng giới cũng như sự tiến bộ của nữ CNVC – LĐ Cơ quan Tổng công ty.

PV: Bà có thể cho biết quan điểm của bà về người phụ nữ trong thời hiện đại? Theo bà, việc cân bằng giữa các vai trò của phụ nữ trong xã hội cũng như trong cuộc sống gia đình khó như thế nào?

Bà Phạm Thu Hiền: Tôi cho rằng, người phụ nữ hiện đại không thể thiếu sự tự tin, độc lập và tự chủ về tài chính. Thậm chí, đây là một trong những tiêu chí quyết định xem họ có “hiện đại” hay không. Phụ nữ hiện đại cần có công việc mang lại thu nhập dù ít dù nhiều nhưng ổn định. Một khi được tự do chi tiêu những đồng tiền do chính công sức mình tạo ra, nâng cao chất lượng cuộc sống mà không còn phải phụ thuộc vào bất cứ ai... phụ nữ sẽ khẳng định bản thân trong gia đình và xã hội. Đó cũng là chìa khóa mang đến sự tự tin, độc lập trong cuộc sống của mỗi người phụ nữ.

Từ sự tự chủ về tài chính, độc lập, tự tin, người phụ nữ ắt sẽ biết làm đẹp. Đã qua rồi cái thời phụ nữ “đầu bù tóc rối” lo chuyện nội trợ bếp núc mà không màng tới nhan sắc của mình. Thời nay, khi xã hội ngày càng tiến bộ, phụ nữ ra ngoài tiếp xúc, học tập, làm việc và tự khẳng định mình nên việc làm đẹp ngày càng được phụ nữ ý thức và coi trọng hơn. Đời sống ngày càng nâng cao, phụ nữ sẽ thoải mái lựa chọn cách để làm đẹp, để chăm sóc cho bản thân mình. Tôi nghĩ rằng, khi làm đẹp phù hợp với điều kiện, môi trường sống căng khiến họ tự tin hơn, khẳng định giá trị bản thân, góp phần vào sự thành công trong công việc, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.

Tôi cho rằng, việc cân bằng giữa các vai trò của người phụ nữ vừa khó vừa dễ. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. Gia đình là nơi thể hiện thực chất sự bình đẳng và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Bên cạnh đó, người phụ nữ của thời hiện đại càng không thể tách rời với thực tế gia đình và xã hội. Chính vì vậy, người phụ nữ hiện đại buộc phải biết cách cân bằng giữa trách nhiệm gia đình với việc tham gia các hoạt động xã hội. Thực tế các chị em hiện nay đang làm rất tốt việc đó. Chị em của VNSTEEL cũng vậy. Tuy nhiên, xã hội cũng cần đổi mới trong quan niệm về sự “đảm đang” của người phụ nữ, không nên chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của gia đình. Người phụ nữ hôm nay có tri thức nhiều hơn, được độc lập về kinh tế nhiều hơn và đồng thời cũng biết cách tạo ảnh hưởng của bản thân đối với các thành viên trong gia đình rõ nét hơn. Và hơn hết, người phụ nữ ấy càng biết tổ chức cuộc sống gia đình và biết gắn kết sợi dây tình cảm giữa các thành viên gia đình, biết lấy giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình phát triển hơn và hạnh phúc hơn.  

PV: Nhân ngày 20/10, hướng tới sự phát triển toàn diện của VNSTEEL, bà có thông điệp gì gửi cho chị em nữ CNVC - LĐ trong toàn hệ thống Tổng công ty?

Bà Phạm Thu Hiền: Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện; Đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả; xây dựng Tổng công ty phát triển bền vững”.

Để phấn đấu cùng Đảng bộ Tổng công ty hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, vì sự phát triển bền vững của Tổng công ty Thép Việt Nam- CTCP, tôi mong rằng mỗi chị em nữ CNVC-LĐ trong toàn hệ thống Tổng công ty hãy phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của mình, không ngừng trau dồi, học tập, vươn lên, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Nhân dịp 20/10, chúc tất cả chị em nữ CNVC –LĐ trong toàn hệ thống Tổng công ty mãi là “bông hoa thép” lung linh, toả sáng, luôn hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và thành công trong sự nghiệp!

PV: Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị!

Thủy Minh (Thực hiện)