Tam nam vẫn phú
Cô út làm kế toán, còn ba người anh trai đều theo đuổi một nghề không liên quan gì đến bố mẹ, đó là nghề làm thép. Điều đáng nói là tay nghề của cả ba đều xếp vào hàng “không phải dạng vừa đâu”.
27/07/2021 15:36
Vào Nam lập nghiệp
Người con trai cả là Hoàng Văn Trình, Tổ trưởng tổ Nhiệt của Nhà máy cốc hóa thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Con trai thứ ba là Hoàng Đức Cường, Quản đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá. Tưởng là bị “kẹp” giữa anh trai và em trai thì khó lòng bay nhảy, ai dè anh Hoàng Mạnh Hùng, người con trai thứ lại là người phiêu lưu nhất khi chọn nơi lập nghiệp xa nhất, mãi tận Công ty TNHH MTV Thép miền Nam – VNSTEEL ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Vừa tròn 24 tuổi, tạm biệt quê hương gang thép Thái Nguyên, anh Hùng đặt dấu chân đầu tiên ở miền Nam xa xôi. Ngẫm lại đã 25 năm kể từ cái ngày đầu tiên ấy, từ một chàng thanh niên đầy khát vọng, yêu nghề ngày nào nay anh Hùng đã thành một trưởng ca sản xuất luyện, là ủy viên Ban hấp hành Công đoàn phân xưởng sản xất, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành ca sản xuất luyện thép, giám sát, xử lý sự cố quá trình nấu luyện trong ca, quản lý nhân sự… Nhìn người đàn ông trung niên với vóc dáng chắc đậm, phong thái hiền lành, giọng nói ấm áp, lối trò chuyện rất dễ mến cùng những suy nghĩ giản dị mà sâu sắc về nghề luyện thép mới thấy thời gian trôi nhanh thật. Nhờ nó mà những viên ngọc được mài dũa cho mỗi ngày mỗi sáng.
Anh Hoàng Mạnh Hùng cũng giống như rất nhiều công nhân ở Thép miền Nam mà tôi biết là đều có một “mẫu số chung” gồm: đầu quân cho Công ty Thép Nhà Bè - một đơn vị cũng thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, sau đó chuyển công tác sang Công ty TNHH MTV Thép miền Nam - VNSTEEL. Thép miền Nam đã trở thành mảnh đất lành “hút” rất nhiều những thợ luyện thép tài năng như thế đó.
Dường như trong con người trưởng ca Hoàng Mạnh Hùng là sự đan xen của rất nhiều “chất” gồm chất thợ, chất lính và cả chất lãng mạn do là người ham đọc sách từ thuở còn trẻ. Nói về nghề luyện thép hiện nay anh cho rằng đỡ vất vả hơn rất nhiều so với ngày xưa do Thép miền Nam có dây chuyền hiện đại lắm, làm kỹ thuật như anh giờ phải chăm đọc, chăm học để cập nhật các kiến thức mới về máy móc, về cơ lý hóa… để làm chủ nó, để nó giúp mình làm tốt nhiệm vụ sản xuất. Kể cả đối với một dây chuyền hiện đại Danieli của Italia như ở Thép miền Nam thì trong quá trình áp dụng vào thực tế sẽ có những thay đổi, làm thợ lâu năm trong quá trình vận hành sẽ tìm thấy sự khác biệt và ứng dụng. Ví dụ như trước đây Thép miền Nam sử dụng lò điện hồ quang EAF sang lò LF cần phải thay đổi để thích nghi vì thực tế không phải lúc nào cũng giống lý thuyết. Hoặc chẳng hạn như theo thiết kế lò điện chỉ có nấu 2 thùng liệu một mẻ, nhưng điều kiện thực tế phải nấu 3 thùng thì quá trình hóa lý có thay đổi sẽ ảnh hưởng đến thành phần thép, do đó cần phải có những tính toán hợp lý để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Những sáng kiến nhỏ luôn là khởi nguồn của những công trình lớn. Cùng với các anh em của mình, những năm qua anh Hùng đã có những đóng góp rất lớn khi là đồng tác giả của sáng kiến “Chế tạo dưỡng đầm bột dốc lò Ankerharth NN95 khu vực EBT lò luyện EAF”, hỗ trợ anh em thực hiện sáng kiến “Quản ký tổng thể và các giải pháp cải tiến công nghệ PXSX- cán nhằm tăng sản lượng, giảm tiêu hao N- Gas, giảm phế phẩm” …
Ba anh em mang ba cái tên
Dù đã gắn bó rất lâu với Thép miền Nam song người trưởng ca vẫn luôn trân trọng những kinh nghiệm đã có trong thời gian làm thợ luyện gang ở Thép Nhà bè. Chính những tháng ngày khó khăn, máy móc còn lạc hậu thô sơ đến nỗi nấu gang chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đó đã tạo ra những người thợ luyện thép tài năng và Hoàng Mạnh Hùng chính là một trong những nhân tố đó khi ngay từ mẻ gang đầu tiên đã nấu thành công. Với vốn liếng này, nhập cuộc với Thép miền Nam, anh Hùng đã thành một người trưởng ca sản xuất đứng mũi chịu sào, có tinh thần trách nhiệm quán xuyến mọi việc trong một ca trực. Công ty TNHH MTV Thép miền Nam- VNSTEEL với dây chuyền hiện đại, gang nấu được đưa vào phân tích vào máy rất nhanh, sắc xuất thất bại hầu như không có buộc người thợ phải am hiểu kỹ thuật và không ngừng học hỏi để làm chủ hệ thống dây chuyền máy móc đó một cách tuyệt đối nhất. Chất lính trong anh đã mách bảo anh tinh thần dám nghĩ dám làm chủ công nghệ. Và thời gian qua, cùng với sự cố gắng đó và của cả tập thể ca sản xuất, xưởng Sản xuất của anh luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch, vượt công suất thiết kế 19%, các chỉ tiêu tiêu hao đều thấp hơn định mức được giao, đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.
Thói quen đọc sách vẫn theo anh cho đến tận bây giờ. Nếu như ngày xưa thời còn đi học anh say mê văn học Nga, văn học Pháp rồi sau đó là những tác phẩm kinh điển hiện đại như Tiếng gọi nơi hoang dã, Bá tước Mông tơ crit tô… thì khi đi làm, gắn bó với nghề luyện thép anh Hùng còn ham mê đọc sách viết về luyện kim, đọc những tài liệu tiếng nước ngoài mà phải nhờ các thầy dịch cho. Bây giờ thì những cuốn “gối đầu giường” của anh lại là Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Đừng bao giờ đi ăn một mình, hoặc những cuốn Đắc nhân tâm, Nuôi dạy con, Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ, Hài hước một chút thế giới sẽ khác đi…. Một thế giới nội tâm phong phú, đa cảm xúc ngày càng được làm giầu lên trong con người anh qua những trang sách.
Vừa qua, trong Lễ tuyên dương lao động giỏi, lao động sáng tạo do Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP vừa tổ chức hồi tháng 10/2018 ở Đà Nẵng, anh Hùng đã cùng 72 công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo trong hệ thống VNSTEEL đi nhận bằng khen và lĩnh thưởng. Thật tuyệt vời vì đây cũng là dịp anh Hoàng Mạnh Hùng và anh trai của anh là anh Hoàng Văn Trình được hội ngộ. Cả hai anh đều được tôn vinh trong trong lễ tuyên dương hoành tráng, long trọng. Nam Bắc phút chốc hòa chung một ngày trong niềm tự hào khôn xiết.
Ngay tại đây, hai người anh đã hô cao quyết tâm là cùng giữ phong độ để đợi cậu em trai thứ ba – Hoàng Đức Cường, quản đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá để cả ba anh em họ sẽ cùng được xướng tên trong lễ tuyên dương năm tới. Đây sẽ là món quà vô giá giành tặng cho ông bà sinh thành ra các anh.
Thật đúng là “tam nam vẫn phú”!