Chuyển đổi số và quyết tâm của VNSTEEL
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số là một trong những hoạt động để VNSTEEL tái cấu trúc toàn diện, tạo tiền đề cho sự phát triển tương lai. Ông Lê Song Lai - Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã dành cho Tạp chí Công Thương cuộc trao đổi tâm huyết về vấn đề này, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
12/05/2023 09:11
PV: Xin ông cho biết quan điểm và chủ trương của VNSTEEL về chuyển đổi số?
Ông Lê Song Lai: Trên thực tế, chuyển đổi số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và làm thay đổi phương thức quản lý điều hành sản xuất - kinh doanh, thói quen tiêu dùng, cũng như đời sống văn hóa - xã hội. Do đó, chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số mà Đảng và Chính phủ đã xác định.
Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngay từ đầu, Ban Lãnh đạo Tổng công ty đã nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đó là xu hướng tất yếu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Tổng công ty, là công cụ để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sức cạnh tranh, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển của Tổng công ty.
Chuyển đổi số cũng là cơ hội để Tổng công ty thực hiện tái cấu trúc toàn diện, từng bước khôi phục vị thế dẫn đầu trong ngành thép Việt Nam và tạo tiền đề cho sự bứt phá trong tương lai. Chuyển đổi số gắn liền với chiến lược đầu tư phát triển của Tổng công ty, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động.
VNSTEEL xác định, để thành công, chuyển đổi số phải gắn liền với chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp, lấy người lao động và khách hàng là trung tâm. Vì vậy, Tổng công ty phải thường xuyên và chủ động thay đổi và nâng cao năng lực nội tại, coi đó là trách nhiệm của toàn thể người lao động.
PV: Vậy thì thưa ông, hiện tại, chiến lược chuyển đổi số của VNSTEEL đang ở giai đoạn nào?
Ông Lê Song Lai: VNSTEEL đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đối số từ đầu năm 2022 với nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số gắn liền với chiến lược phát triển của Tổng công ty.
Trong năm 2022, VNSTEEL đã xây dựng và ban hành “Lộ trình chuyển đổi số của VNSTEEL giai đoạn 2022 - 2025” theo 3 định hướng xuyên suốt: Chuyển đổi môi trường làm việc số; Tự động hóa các quy trình quản trị và ra quyết định; Nâng cao năng lực kiểm soát.
Với 14 dự án được đề xuất trong giai đoạn từ nay đến 2025, chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể để chuẩn bị nguồn lực triển khai đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu và hiệu quả. Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 dự án, đang triển khai 5 dự án với tiến độ dự kiến hoàn thành trong năm 2023, tiếp tục nghiên cứu 4 dự án để triển khai trong giai đoạn 2024-2025. Như vậy, đến cuối năm 2023, chúng tôi sẽ có được hệ thống cơ sở hạ tầng máy chủ mô hình đám mây, các giải pháp điều hành văn phòng điện tử, quản lý nhân sự và từng bước chuyển dữ liệu sang dạng số để quản lý.
Các mục tiêu chuyển đổi số được thực hiện thông qua 4 chương trình/sáng kiến: Nâng cao nhận thức và chuẩn bị nguồn lực cần thiết; Hiện đại hóa và xây dựng môi trường làm việc số trên nền tảng công nghệ và công cụ số; Chuẩn hóa các quy trình quản trị, vận hành, phối hợp và ứng dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình; Áp dụng các công nghệ số giúp nâng cao năng lực kiểm soát các hoạt động của Tổng công ty.
PV: Theo ông, VNSTEEL đang có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc thực hiện chuyển đổi số?
Ông Lê Song Lai: Nhìn chung, việc chuyển đổi số tại VNSTEEL đã và đang được triển khai thuận lợi dưới sự chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt của Đảng ủy, HĐQT và Ban Tổng Giám đốc về đường lối, chủ trương thể hiện ở Nghị quyết số 05-NQ/ĐUT ngày 05/7/2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy TCT về “Thực hiện chuyển đổi số tại Tổng công ty và đơn vị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định 01/QĐ-VNS năm 2022 của Tổng giám đốc về việc thành lập Ban Chỉ đạo số. Ngoài ra là sự quyết tâm của Ban lãnh đạo Tổng công ty từ Đảng ủy, HĐQT đến Ban điều hành, cụ thể là việc chuẩn bị những nguồn lực tốt nhất cho chuyển đổi số từ việc thành lập bộ phận chuyên trách đến chuẩn bị nguồn tài chính đầy đủ để thực hiện các dự án; từ việc chỉ đạo sát sao trong việc định hướng đến công tác tuyên truyền cho cán bộ công nhân viên.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện chuyển đổi số, VNSTEEL cũng gặp một số khó khăn, thách thức như: nhu cầu và quyết tâm chuyển đổi số của 1 số đơn vị chuyên môn còn chưa cao; quy định về trách nhiệm của các đơn vị tham gia quản lý, điều hành, phối hợp trong công tác chuyên môn còn chưa đầy đủ dẫn đến lúng túng khi thực hiện; đâu đó vẫn còn tâm lý ngại tiếp nhận cái mới, học hỏi và thay đổi thói quen làm việc của CBCNV khi tiếp nhận các ứng dụng và công cụ số. Tuy nhiên, VNSTEEL sẽ có những giải pháp cụ thể và hiệu quả, không để những khó khăn này làm ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi số của Tổng công ty và toàn hệ thống.
PV: Trong quy trình chuyển đổi số thì nhân lực giữ vai trò cực kỳ quan trọng để hướng tới thành công. Điều này ngoài ý nghĩa là nhân lực khi thực thi thì trước tiên phải là quyết tâm của của người lãnh đạo. Ông cho biết quyết tâm của Ban lãnh đạo VNSTEEL?
Ông Lê Song Lai: Không chỉ cá nhân tôi mà toàn thể đội ngũ lãnh đạo Tổng công ty đều có quyết tâm cao trong việc thực hiện chuyển đổi số. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, chúng tôi tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư cho chuyển đổi số với các kế hoạch cụ thể như: Xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên trách có chất lượng cao, am hiểu công nghệ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc chuyển đổi số; Dành ngân sách tương xứng cho phát triển ứng dụng để nhanh chóng thực hiện các dự án nằm trong lộ trình đã xây dựng, đảm bảo tiến độ và kế hoạch đã đặt ra; Tăng cường công tác truyền thông để từng bước thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của toàn thể nhân viên… Đặc biệt, sẽ hỗ trợ các đơn vị trong hệ thống của Tổng công ty thực hiện chuyển đổi số, từng bước xây dựng hệ sinh thái số của Tổng công ty trước năm 2025.
Tôi tin tưởng quyết tâm của cá nhân và tập thể lãnh đạo Tổng công ty sẽ sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng môi trường làm việc số và đưa Tổng công ty Thép Việt Nam trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Chiều ngày 10/05/2023, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ FSI đã tiến hành ký kết hợp đồng Xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu số và tạo lập hệ thống tài liệu số. Dự án nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số của VNSTEEL.
Đây là một trong những động thái mới nhất cho thấy quyết tâm của Ban lãnh đạo VNSTEEL trong việc tiến sâu hơn nữa vào tiến trình chuyển đổi số. Tại buổi lễ, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số đối với VNSTEEL và sự kỳ vọng của việc triển khai dự án với FSI giúp VNSTEEL số hoá và quản lý tài liệu trên nền tảng số, đây là tiền đề quan trọng xây dựng môi trường làm việc số tại VNSTEEL.
(Minh Thủy thực hiện) (Nguồn: tapchicongthuong.vn)