Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: 15 năm xây dựng và trưởng thành

Sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã luôn bám sát tình tình thực tiễn thể hiện rõ vai trò là hạt nhân chính trị trong mọi hoạt động của đơn vị.

Trang tin điện tử VNSTEEL xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bài viết của phóng viên được đăng tại:

https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dang-bo-tong-cong-ty-thep-viet-nam-ctcp-15-nam-xay-dung-va-truong-thanh-97968.htm

18/08/2022 11:30

Ngay từ khi thành lập, dù trải qua rất nhiều khó khăn, song Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối, thể hiện rõ vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các mặt công tác của Tổng công ty.

Cuộc trao đổi với ông Lê Song Lai, Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Đảng bộ Tổng công ty đã cho thấy vai trò xuyên suốt của tổ chức Đảng trong sự phát triển của Tổng công ty kể từ khi thành lập cho đến nay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Xin chúc mừng Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã tròn 15 tuổi (26/9/2007 - 26/9/2022). Nhìn lại chặng đường đã qua, xin ông cho biết về vai trò của Đảng ủy Tổng công ty trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tổng công ty kể từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là trong những năm gần đây?

Ông Lê Song Lai: Đảng bộ Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam là Đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở, được thành lập theo Quyết định số 276-QĐ/ĐUK ngày 26/9/2007 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Khi mới thành lập, Đảng bộ có 31 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 10 đảng bộ cơ sở, 10 chi bộ cơ sở, 11 chi bộ trực thuộc với tổng số 887 đảng viên. Hiện nay, toàn đảng bộ có 29 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 11 đảng bộ cơ sở, 11 chi bộ cơ sở, 07 chi bộ phòng ban cơ quan Tổng công ty với 802 đảng viên.

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ủy Tổng công ty đã trải qua 03 kỳ đại hội. Sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, Đảng ủy Tổng công ty đã luôn bám sát tình tình thực tiễn, các mục tiêu nhiệm vụ của Tổng công ty và chức năng nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, thể hiện rõ vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các mặt công tác, trong đó việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là một trong những nội dung rất quan trọng.

hien-ca-sauBà Phạm Thu Hiền - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng công ty phát biểu tại hội nghị Nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII 

Bên cạnh việc ban hành nghị quyết công tác hàng năm, các kết luận cuộc họp thường kỳ hàng tháng của Ban Thường vụ, Đảng ủy Tổng công ty đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề, với nhiều giải pháp quyết liệt để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Tiêu biểu là việc ban hành và triển khai thực hiện tốt Kết luận số 1719-KL/ĐUT ngày 24/01/2014 về “Những giải pháp cấp bách nhằm giúp Công ty mẹ-Tổng công ty vượt qua khó khăn trong năm 2014”, trong đó có nhiều giải pháp mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm chính trị cao của tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Cùng với sự quyết tâm của cả đội ngũ, Tổng công ty đã từng bước vượt qua khó khăn. Từ đơn vị sản xuất kinh doanh thua lỗ trong các năm 2012-2013 với số lỗ lũy kế lên đến 854 tỷ đồng, sang năm 2014, Công ty mẹ đã có lãi 84 tỷ đồng và liên tục duy trì đà sản xuất kinh doanh có hiệu quả ở những năm tiếp theo.

Ngoài ra, Đảng ủy Tổng công ty còn ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề khác để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh như: Nghị quyết số 463-NQ/ĐUT ngày 20/10/2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa các đơn vị trong lĩnh vực sản xuất và lưu thông phân phối”; Nghị quyết số 02-NQ/ĐUT ngày 28/01/2016 về “Nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”; Kết luận số 36-KL/ĐUT ngày 08/4/2016 về “Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thép dẹt”; Nghị quyết 03-NQ/ĐUT ngày 20/4/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Tổng công ty đối với công tác quản lý và sử dụng đất của Tổng công ty và các đơn vị”; Nghị quyết 04-NQ/ĐUT ngày 28/6/2021 về “Các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đầu tư, tái cơ cấu”; Nghị quyết 05-NQ/ĐUT ngày 05/7/2021 về “Thực hiện chuyển đổi số tại Tổng công ty và đơn vị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Các chỉ thị, nghị quyết, kết luận chuyên đề của Đảng ủy Tổng công ty được ban hành đều đảm bảo đúng, trúng, sát với tình hình thực tiễn, nên đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như thị trường thép thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, ngành thép dư thừa công suất, Tổng công ty bị mất cân đối về tài chính, một số dây chuyền máy móc, trang thiết bị đã lạc hậu, xuống cấp, năng suất lao động thấp... Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, cùng với sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống nên Tổng công ty liên tục sản xuất kinh doanh có hiệu quả: tổng lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống giai đoạn 2015 - 2021 đạt trên 11.646 tỷ đồng; tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 5.039 tỷ đồng, đảm bảo việc làm thu nhập cho người lao động với mức bình quân thu nhập đạt gần 12 triệu đồng/người/tháng, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được giữ vững, nội bộ ổn định, đoàn kết, cán bộ, đảng viên, người lao động yên tâm công tác, tin tưởng vào sự phát triển của Tổng công ty.

Đặc biệt, trong 2 năm 2020 và 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị, Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty luôn chỉ đạo sát sao các đơn vị ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh để từ đó đề ra và thực hiện có kết quả các giải pháp, phương án sản xuất kinh doanh phù hợp trên nguyên tắc đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch.

Chính vì vậy, mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh, nhưng Tổng công ty vẫn hoàn thành xuất sắc mục tiêu kép “Vừa duy trì sản xuất kinh doanh có hiệu quả, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch Covid 19”.  Năm 2021 cũng là năm Tổng công ty đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay về chỉ tiêu lợi nhuận và thu nhập của người lao động (lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.032 tỷ đồng, bằng 257% kế hoạch năm; thu nhập bình quân của người lao động toàn hệ thống đạt 14,8 triệu đồng/người/tháng,  bằng 145%  kế hoạch năm).

Những kết quả trên đã khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức Đảng xuyên suốt mọi hoạt động của Tổng công ty trong những năm qua, giúp Tổng công ty vượt qua khó khăn và đạt được kết quả tích cực trong những năm gần đây.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Đảng ủy Tổng công ty trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các “hạt giống đỏ” để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới?

Ông Lê Song Lai: Trong những năm qua, công tác cán bộ tại Tổng công ty được triển khai thực hiện khá đồng bộ, bám sát mục tiêu, quan điểm Đảng trong thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, thông qua việc ban hành và chỉ đạo ban hành các nghị quyết, kết luận, quy chế, quy định để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

dang-vien-moi

Ông Lê Song Lai trao Quyết định kết nạp Đảng và chúc mừng đồng chí Vũ Thị Thu Hằng Chi bộ Hội đồng Quản trị - Kiểm soát

Các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ đều được đưa ra thảo luận dân chủ, công khai, thống nhất trong Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty. Việc nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ đã dần đi vào nền nếp, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, đúng quy trình. Đội ngũ cán bộ của Tổng công ty được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, nên về cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, có kỹ năng trong quản lý điều hành doanh nghiệp, có tâm huyết, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tổng công ty, đơn vị.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được Đảng bộ Tổng công ty quan tâm chú trọng. Việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ đã gắn với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Hàng năm, căn cứ vào quy hoạch và tiêu chuẩn cán bộ, Đảng ủy Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và cử cán bộ tham dự các khoá lý luận chính trị các trình độ trung cấp, cao cấp theo chỉ tiêu phân bổ của Trung ương. Ban Tổng giám đốc Tổng công ty chủ động xây dựng kế hoạch và cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ trong nước cũng như các khóa học ngắn hạn ở nước ngoài.

Đội ngũ cán bộ được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng đã nâng cao được trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, trở thành các “hạt giống đỏ”, tích cực nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Tổng công ty và đơn vị.

Trong 15 năm qua, Tổng công ty đã cử 02 đồng chí đi nghiên cứu, học tập ngắn hạn tại Anh và Australia theo Đề án 165; cử 54 cán bộ theo học cao cấp lý luận và 158 cán bộ học trung cấp lý luận chính trị; cử 25 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, 08 đồng chí tham gia khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp cao cấp; cử 265 lượt cán bộ tham gia các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do các bộ, ngành Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa có kế hoạch đào tạo lâu dài cho sự phát triển của Tổng công ty; việc bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống phát sinh trong thực tiễn sản xuất kinh doanh cho đội ngũ cán bộ có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, trong thời gian tới, Đảng ủy Tổng công ty sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo mục tiêu, quy hoạch và tiêu chuẩn cán bộ, với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

- Đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Khuyến khích cán bộ tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực công tác. Xây dựng quy định học tập bắt buộc đối với cán bộ; quy chế quản lý, sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.

- Trên cơ sở quy hoạch và tiêu chuẩn chức danh cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn, từng lĩnh vực cụ thể, đảm bảo tầm nhìn trung, dài hạn để đáp ứng chiến lược phát triển của Tổng công ty. Trước mắt, tập trung ưu tiên đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ ở các lĩnh vực hiện nay đang thiếu và yếu.

PV: Giai đoạn hiện nay đang đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn cho Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP. Vậy Đảng ủy Tổng công ty có những giải pháp gì để lãnh đạo, chỉ đạo Tổng công ty vượt qua khó khăn, thực hiện tốt các mục tiêu, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, nhiệm kỳ 2020 - 2025?

Ông Lê Song Lai: Trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Những yếu tố bất lợi như chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt, sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Ngành thép thế giới cũng phải chịu những ảnh hưởng nặng nề.

lai-3Ông Chu Đình Động - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp và Đồng chí Lê Song Lai - Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Đảng trong doanh nghiệp Việt Nam” cho các đảng viên

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế cũng như tác động bên ngoài. Ngành Thép Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với vị thế và vai trò lớn hơn trong khu vực, tuy vậy cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép ngày càng gia tăng do tình trạng cung vượt cầu; mức độ chênh lệch về quy mô, trình độ công nghệ ngày càng nới rộng, quá trình chọn lọc, đào thải các cơ sở luyện kim nhỏ lẻ sẽ diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu sẽ tiếp tục là một mối đe dọa đối với thị trường thép trong nước giai đoạn tới.

Đối với Tổng công ty, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh trong những năm gần đây không ngừng được cải thiện, tuy nhiên so với các doanh nghiệp trong ngành thì kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, đồng thời vị thế và vai trò của Tổng công ty trên thị trường đã có phần suy giảm so với trước. Những hạn chế nội tại chưa được khắc phục như năng lực sản xuất, năng lực tài chính giới hạn, nhiều đơn vị công nghệ cũ, lạc hậu, chi phí sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp nhưng chưa có các dự án đầu tư, nâng cấp mới ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng giai đoạn tới.

Tất cả những yếu tố nêu trên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của Tổng công ty trong thời gian tới. Để phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, đòi hỏi phải có sự quyết liệt của các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ Tổng công ty để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, cùng với sự quyết tâm, cố gắng nỗ lực hơn nữa của toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn hệ thống Tổng công ty. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ toàn diện, có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:

  1. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
    2. Chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
    3. Chỉ đạo cập nhật, hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty gắn với chiến lược phát triển Tổng công ty. Tập trung mọi nguồn lực để để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất trong lĩnh vực cốt lõi là sản xuất thép, nâng cao khả năng cạnh tranh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên. 
    4. Tăng cường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý vốn tại các đơn vị có vốn đầu tư của Tổng công ty; chỉ đạo áp dụng những thông lệ, nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất đối với Tổng công ty và các đơn vị thành viên.
    5. Chỉ đạo tiếp tục đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho Dự án mở rộng giai đoạn 2 - Tisco và Dự án VTM, tạo điều kiện cho Tổng công ty phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông và xin chúc Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tổng công ty nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Tổng công ty vượt qua khó khăn và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Minh Thủy (thực hiện)