Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động.

Có 4 trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động.

Trang tin điện tử VNSTEEL xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bài viết của phóng viên được đăng tại:

https://laodong.vn/cong-doan/truong-hop-khong-duoc-giai-quyet-tro-cap-tai-nan-lao-dong-1069721.ldo

29/08/2022 08:16

Căn cứ Điều 40 và Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, dù bị tai nạn trên thực tế nhưng người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động:

Trường hợp 1: Bị tai nạn thuộc các trường hợp quy định nhưng mức độ suy giảm khả năng lao động dưới 5%.

Theo Khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, các tai nạn được xem xét hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm:

Tai nạn xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc.

Tai nạn xảy ra xgoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi người lao động thực hiện công việc theo yêu cầu của phía người sử dụng lao động.

Tai nạn xảy ra trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Trường hợp 2: Bị tai nạn do mâu thuẫn của chính người lao động với người gây ra tai nạn cho người đó mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Trường hợp 3: Bị tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân.

Trường hợp 4: Bị tai nạn do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Bị tai nạn lao động suy giảm dưới 5%, người lao động được hưởng quyền lợi gì?

Người lao động bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động dưới 5% không được được hưởng chế độ tai nạn lao động nhưng theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động vẫn được hưởng một số quyền lợi:

- Được người sử dụng lao động kịp thời sơ cứu, cấp cứu.

Nếu không sơ cứu, cấp cứu kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng/người lao động bị vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

- Được người sử dụng lao động thanh toán toàn bộ chi phí y tế ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi người lao động điều trị ổn định.

Nếu không thanh toán, người sử dụng lao động cũng bị phạt từ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng/người lao động bị vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

- Trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng lao động do tai nạn lao động.

Nếu người sử dụng lao động không trả đủ tiền lương, người lao động có thể thực hiện thủ tục khiếu nại theo hướng dẫn tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP. Theo đó, người lao động cần khiếu nại lần đầu đến người sử dụng lao động.

Nếu không được giải quyết thì tiến hành khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

- Trường hợp giám định sức khỏe xác định mức độ suy giảm khả năng lao động dưới 5%, người lao động không phải trả chi phí giám định bởi trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động.

Nếu không trả chi phí giám định, người sử dụng lao động bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng/người lao động bị vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Phương Minh