Trước sóng cả không ngã tay chèo

Không dễ để ý chí “như thép, như gang” của những người công nhân Gang thép Thái Nguyên có thể ngã lòng, xuôi chèo trước sóng gió thị trường. Đó là điều hiển nhiên và đã được kiểm chứng qua không ít lần biến cố, thăng trầm của thép TISCO. Nay cũng vậy, dẫu nội tại đang gặp nhiều khó khăn, mũi dùi dư luận chưa dừng lại sau Dự án giai đoạn II gặp trắc trở và có nguy cơ phá sản, song tập thể cán bộ, công nhân Gang thép vẫn giữ được bản lĩnh thép gang, đương đầu để vượt qua gian khó.

01/08/2016 13:32

Không dễ để ý chí “như thép, như gang” của những người công nhân Gang thép Thái Nguyên có thể ngã lòng, xuôi chèo trước sóng gió thị trường. Đó là điều hiển nhiên và đã được kiểm chứng qua không ít lần biến cố, thăng trầm của thép TISCO. Nay cũng vậy, dẫu nội tại đang gặp nhiều khó khăn, mũi dùi dư luận chưa dừng lại sau Dự án giai đoạn II gặp trắc trở và có nguy cơ phá sản, song tập thể cán bộ, công nhân Gang thép vẫn giữ được bản lĩnh thép gang, đương đầu để vượt qua gian khó.

Không để mất tinh thần

Thời gian gần đây, những người có trách nhiệm của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đều căng mình làm việc với tần suất cao nhất. Không trực tiếp chỉ đạo sản xuất, kinh doanh hay chạy vạy tìm biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, nhưng ông Vũ Thượng Thư lại được xem là một trong những người bận bịu nhất đơn vị. Ở cương vị Chủ tịch Công đoàn Công ty, ông Thư tối ngày chạy đôn, chạy đáo để kịp thời động viên, chia sẻ, tham mưu cho lãnh đạo Công ty phương cách ổn định việc làm, bảo đảm cuộc sống của hơn nửa vạn lao động. Bởi, sau quyết định cứng rắn của Chính phủ đối với tương lai Dự án giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên, tư tưởng, tâm lý của phần đông người lao động trong Công ty đều bị tác động.

Không hoang mang, dao động sao được khi ngày ngày người lao động trong Công ty bị rót vào tai biết bao thông tin bất lợi về tương lai của doanh nghiệp và của chính họ. Ông Vũ Thượng Thư trăn trở: Đã có chuyên gia và cả không phải chuyên gia đăng đàn nói về Công ty với những phán xét có phần chủ quan, chưa đúng với bản chất vấn đề. Có thể do họ chưa tìm hiểu kỹ hoặc chưa có đầy đủ thông tin. Trong đó, có cả ý kiến hiểu sai quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với Dự án giai đoạn II. Gang thép Thái Nguyên là Công ty cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, thực hiện theo Luật Doanh nghiệp nên nếu ở tình huống xấu nhất thì có chăng Nhà nước sẽ thoái vốn và mời gọi cổ đông khác tham gia chứ không có chuyện bán Công ty. Chính các luồng thông tin trái chiều đã khiến phần đông người lao động trong đơn vị rơi vào tâm lý bất an, không hiểu rồi tương lai mình sẽ ra sao và do ai định đoạt.

Về vấn đề này, ông Đoàn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá (đơn vị thuộc Công ty) chia sẻ: Trong hơn 400 lao động của đơn vị sẽ không tránh khỏi những trường hợp lo lắng, bàn tán xung quanh chuyện này. Ngay cả cán bộ cũng có người tỏ rõ tâm lý hoài nghi. Tuy nhiên, mọi người đều không mất tinh thần bởi thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty hiện nay đang rất ổn định và có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trước.

Vì tương lai hơn nửa vạn lao động

Điều mà những người lãnh đạo Công ty luôn thấu hiểu chính là, chỉ có chăm lo thật tốt điều kiện làm việc và sinh hoạt cho người lao động thì mới có thể giữ chân họ. Và khi đó họ mới hết mình cống hiến để mang lại sự vững bền cho cả tập thể doanh nghiệp. Bởi vậy, dù khó khăn thế nào Công ty cũng sẽ gồng mình vượt qua. Tương lai của hơn 5.000 lao động vừa là động lực vừa là yếu tố sống còn với Công ty - Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, ông Hoàng Ngọc Diệp khẳng định điều đó trong nhiều lần trao đổi với báo giới địa phương.

Ai cũng nghĩ, đời sống của người lao động Gang thép Thái Nguyên đang gặp bấp bênh, lương tháng thâm hụt, tinh thần bất an, các chế độ đãi ngộ bị cắt giảm... Tuy nhiên, khi tiếp xúc trực tiếp với người lao động và chứng kiến không khí làm việc ở từng phân xưởng, nhà máy, khai trường mới thấy rằng, mọi chuyện không hẳn như nhiều người phỏng đoán.

13 năm gắn bó với Nhà máy Cán thép Lưu Xá, trải qua nhiều vị trí từ đứng lò, kéo cán đến bộ phận KCS, điều độ rồi giữ kho, anh Trần Văn Tới chưa bao giờ thấy điều kiện sản xuất và sinh hoạt của mình lại tốt như hiện tại. "Từ chỗ gửi xe, nhà ăn ca, phòng chờ giao ca đến chỗ tắm giặt, xông hơi, khâu vá... của công nhân chúng tôi đều được Nhà máy quan tâm đầu tư khang trang, tiện nghi. Môi trường trong khuôn viên Nhà máy không khác gì ngoài công viên, sạch sẽ, thoáng mát vô cùng"- anh Tới chia sẻ. Cũng theo anh Tới thì mặc dù trong quá trình sản xuất, có lúc Nhà máy phải tạm dừng luân phiên, nhưng mức thu nhập trung bình mà người lao động trong đơn vị anh được hưởng 6 tháng đầu năm nay vẫn đạt trên 6 triệu đồng (gồm cả lương và thưởng). Ở vị trí giữ kho, không trực tiếp đứng lò, lương thực lĩnh của anh (chưa gồm thưởng) là trên 4 triệu đồng/tháng.

Theo thông tin từ lãnh đạo Công ty, quỹ lương của đơn vị 6 tháng qua tăng hơn thời điểm trước do có sự gia tăng sản xuất và tiêu thụ. Việc Chính phủ áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu cộng với những nỗ lực khai thác thị trường, từ đầu năm đến này có những thời điểm nhiều dây chuyền sản xuất của Công ty chạy mãn tải (hết công suất). Kết quả 6 tháng qua, lương trung bình người lao động trong Công ty đạt 6,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 400 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo Công ty đã khẳng định quyết tâm, không để bất cứ công nhân nào phải hưởng mức lương dưới tối thiểu vùng, tức là dưới 3,1 triệu đồng (tất nhiên là đi làm đủ ngày công). Điều đáng nói là, trước đây nhiều bộ phận phải trả lương tháng làm hai đợt (đợt 1 tạm ứng lương tháng này, đợt hai quyết toán lương tháng trước), nhưng nay đã có nhiều đơn vị thành viên trả lương một lần qua thẻ vào khoảng thời gian từ 8 đến 10 trong tháng. Khảo sát tại 12 đơn vị thuộc Công ty, chúng tôi nhận thấy rằng việc để chậm lương hoặc nợ lương người lao động không diễn ra. Ở các đơn vị khó khăn nhất như Mỏ sắt Ngườm Cháng - Cao Bằng, Mỏ than Phấn Mễ - Thái Nguyên, Mỏ sắt và cán thép - Tuyên Quang, Mỏ Quắc Zít - Phú Thọ cũng không để công nhân mất việc hoặc bị thiếu nợ lương. Một số ít lao động thiếu việc do trữ lượng mỏ cạn kiệt đang được Công ty xem xét để sắp xếp lại cho phù hợp, trên tinh thần không để người lao động chịu thiệt.Nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước và bảo hiểm với người lao động đều được nộp theo quy định.

Còn nhớ, buổi sáng hôm chúng tôi làm việc tại Gang thép Thái Nguyên, tổ chức Công đoàn Tổng Công ty thép Việt Nam và Công đoàn Công ty đang chuẩn bị xuống chúc mừng Xí nghiệp Năng lượng, Xí nghiệp Đường sắt, Mỏ than Phấn Mễ và Mỏ sắt Tiến Bộ do có thêm 6 phòng chờ công nhân mới. Đây là nơi công nhân nghỉ ngơi giữa các công đoạn sản xuất, giúp người lao động có thể tái tạo sức khỏe giữa ca làm việc. Từ nay đến cuối năm, sẽ có 8 phòng chờ công nhân nữa được các đơn vị xây dựng đưa vào sử dụng. Chủ tịch Công đoàn Công ty, ông Vũ Thượng Thư thông tin, Công ty đang triển khai phong trào xây dựng mô hình “6 nhà” và tiến tới là "10 nhà" theo phong cách hiện đại, thuận tiện nhất cho người lao động gồm: Nhà ăn ca tự chọn; nhà để xe tập trung; nhà giao ca, phòng chờ tập trung; nhà tắm giặt, xông hơi, khâu vá; nhà vệ sinh; nhà máy công viên; nhà đa năng; nhà truyền thống; nhà trạm y tế; nhà ở công nhân. Hiện nay, nhiều mô hình đã được xây dựng thành công và đang vận hành rất hiệu quả, bảo đảm nâng cao đời sống, môi trường làm việc cho người lao động.

Ngoài ra, các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan, nghỉ mát cũng được Công ty đặc biệt quan tâm. Việc quyên góp, lập quỹ hỗ trợ xây nhà cho người lao động khó khăn về nhà ở cũng được doanh nghiệp triển khai từ nhiều năm nay với trung bình mỗi năm hỗ trợ xây dựng được từ 4 đến 6 ngôi nhà mới, tạo mái ấm thực sự đối với công nhân nghèo...

Đừng nên đánh đồng được - mất

Có thể nói, việc quyết định đầu tư thực hiện Dự án giai đoạn II tại thời điểm cách nay 10 năm là một chủ trương đúng đắn và có chiến lược. Song, cái sai lầm ở đây chính là công tác quản lý, điều hành cả trong liên kết đầu tư và triển khai thực hiện dự án. Khoan hãy bắt lỗi tập thể, cá nhân nào vì đây là dự án nhóm A, do Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, khâu quản lý kém liên quan đến mấy thế hệ lãnh đạo của Công ty, còn hiện tại những người mới lên nắm quyền đang lo lắng giải quyết hậu quả. Việc giai đoạn II ì trệ tuy có ảnh hưởng không nhỏ đến Công ty do hiện tại mỗi tháng đơn vị phải trả lãi ngân hàng 30 tỷ đồng cho dự án vẫn nằm phơi mưa nắng. Tuy nhiên không vì thế mà đánh đồng sự ì trệ của dự án này với kết quả sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định và tăng trưởng của Công ty.

Nói vậy bởi thực tế đã có không ít người ác khẩu tung tin rằng, thép TISCO lâu nay không có tên tuổi gì ở ngành thép xây dựng trong nước. Đây là sản phẩm kém cỏi, không được lựa chọn cho các công trình lớn. Và rằng, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang làm ăn thua lỗ triền miên, nợ thuế, nợ bảo hiểm... Nhưng thực chất, nhiều năm nay thép TISCO luôn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với các thương hiệu lớn, trong đó thép Hòa Phát mạnh nhất trên thị trường hiện nay cũng phải nhường thị phần đáng kể cho TISCO. Bộ Công Thương rồi Hiệp hội thép Việt Nam luôn coi thép TISCO là một trong những sản phẩm giữ vai trò quan trọng bình ổn thị trường mỗi khi giá thép trong vùng biến động bất thường. Thép Thái Nguyên hiện đang phủ sóng bán hàng và đặt các đại lý lớn trên toàn quốc. Hiện tại, Công ty không những duy trì được nhịp độ sản xuất ổn định mà còn làm ăn có lãi. Bằng chứng là năm 2015, Công ty lãi 84 tỷ đồng (số liệu được công bố sau kiểm toán), 6 tháng đầu năm nay theo báo cáo tài chính, sản xuất, kinh doanh của đơn vị đang có lãi 150 tỷ đồng, phấn đấu cả năm 2016 sẽ lãi 250 tỷ đồng.

Việc mở rộng đầu tư đổ bể chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp, nhưng khi xét một vấn đề cụ thể cần phải tách rõ những phần được và chưa được để từ đó tiếp tục phát huy cái được, rút kinh nghiệm, tìm cách khắc phục cái chưa được hoặc bù đắp cái thiếu hụt. Như thế mới thật sự công tâm, khách quan.

Mô hình Nhà máy công viên được triển khai thành công tại Nhà máy cán thép Lưu Xá

Hy vọng có cái kết thuận

Đối với Dự án giai đoạn II Gang thép, hiện các bên vẫn chưa tìm ra phương án giải quyết nào hợp lý. Theo nguồn tin từ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đã có 2 nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc và Nhật Bản) và một số doanh nghiệp trong nước đặt vấn đề muốn tham gia làm cổ đông chiến lược để cùng tháo gỡ khó khăn về vốn cho Dự án giai đoạn II. Tuy nhiên, việc quyết định không phải một sớm, một chiều có thể thực hiện, sinh mệnh dự án còn phụ thuộc vào sự thống nhất, thỏa thuận có tính toán thiệt hơn của các bên liên quan. Tuy vậy, dù thế nào thì Gang thép Thái Nguyên, nhất là từ phía người lao động đều mong rằng có cái kết thuận chiều nhất cho sự tồn tại của một thương hiệu đã ăn sâu vào tiềm thức người dân và không làm xáo trộn đáng kể lực lượng lao động hiện có. Việc thay đổi chắc chắn không tránh khỏi, song thay đổi thế nào là vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.