Họp báo thông tin kết quả Đại đội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: Đại hội đổi mới, thành công!
28/09/2018 08:51
Chiều 26.9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Tổng LĐLĐVN tổ chức họp báo thông tin về kết quả của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XII - chủ trì họp báo.
Cùng tham gia còn có các đồng chí Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XII: Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN; Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN; Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và các đồng chí Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Thanh Hải, Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh giải đáp các câu hỏi của báo chí. Ảnh: Sơn Tùng.
Đại hội Đổi mới - dân chủ - đoàn kết - trách nhiệm
Thông tin về kết quả Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XII cho biết Đại hội diễn ra từ ngày 24 - 26.9.2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 946 đại biểu (trên tổng số 950 đại biểu được triệu tập) đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, CNVCLĐ cả nước, cùng 7 đoàn đại biểu quốc tế.
Đại hội vinh dự được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, lãnh đạo TP.Hà Nội cùng các địa phương và các đồng chí cán bộ lãnh đạo công đoàn qua các thời kỳ.
Đại hội đã thảo luận Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI; Báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XII…
Tại Đại hội, các đại biểu đã tham gia thảo luận tại 12 trung tâm. Qua thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, các đại biểu đã đưa ra, nhiều giải pháp, hiến kế đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động Công đoàn.
Tại Diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, các đại biểu đã bày tỏ nguyện vọng, hiến kế và thể hiện quyết tâm của Công đoàn Việt Nam cùng Chính phủ nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ trao đổi những vấn đề lớn, gửi thông điệp chung của người đứng đầu Chính phủ đến Đại hội và toàn thể CNVCLĐ cả nước.
Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị đưa chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” vào phương hướng của nhiệm kỳ tới. Đoàn Chủ tịch Đại hội đã tiếp thu đưa vào Nghị quyết và giao cho Ban Chấp hành khóa XII cụ thể hóa vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết, đồng thời chỉ đạo triển khai trong các cấp Công đoàn.
Theo đồng chí Bùi Văn Cường, qua 3 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã hoàn thành chương trình đề ra trên tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”.
Tập trung 3 khâu đột phá
Đồng chí Bùi Văn Cường cũng thông tin, trong nhiệm kỳ 2018 -2023, các cấp công đoàn sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá:
Một là, đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động;
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
Ba là, xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII cũng sẽ tập trung vào 9 nhóm chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ tới.
9 nhóm chỉ tiêu, gồm:
- Đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên, phấn đấu các doanh nghiệp có trên 10 lao động có tổ chức Công đoàn.
- Hàng năm bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất 1 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Hàng năm có 80% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại tốt; 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đạt vững mạnh.
- Triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức Công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
- 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước thành lập được Ban Nữ công quần chúng theo qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- Thu tài chính công đoàn đạt 90% trở lên so với số phải thu kinh phí và đoàn phí công đoàn theo qui định của pháp luật.
- Hàng năm, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp.
- Hàng năm có từ 98% trở lên cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; từ 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động; từ 90% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
- Từ 70% trở lên doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó ít nhất 45% đạt loại B trở lên.
9 nhiệm vụ tổng quát, gồm:
- Phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn. Đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của công đoàn theo hướng góp phần đảm bảo quyền an sinh xã hội. Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cán bộ công đoàn; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
- Tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho người lao động. Chủ động thông tin về tổ chức và hoạt động Công đoàn, chú trọng công tác định hướng thông tin trên Internet và mạng xã hội.
Tham gia xây dựng môi trường văn hóa tích cực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp; đời sống tinh thần lành mạnh cho người lao động. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền đồng cấp về những vấn đề mới, diễn biến mới trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn.
- Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
- Nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với điều kiện lao động, làm việc, công tác của cán bộ, công chức, viên chức, lao động. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao.
- Thực hiện toàn diện và chất lượng công tác nữ công ở các cấp công đoàn, trọng tâm là quyền và việc làm bền vững của lao động nữ; xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; chăm lo tốt hơn con công nhân, viên chức, lao động.
- Chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam; phát huy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho hoạt động công đoàn.
- Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát công đoàn. Kiện toàn ủy ban kiểm tra và văn phòng ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả; xây dựng nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.
- Đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy người lao động làm trung tâm; hoạt động chủ yếu ở cơ sở; công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới; phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
161 đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII
Đại hội nhất trí số lượng Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII (nhiệm kì 2018-2023) là 175 đồng chí; số lượng Đoàn Chủ tịch gồm 27 đồng chí; Ủy ban Kiểm tra gồm 17 đồng chí.
Tại Đại hội, đã bầu 161 đồng chí vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII (nhiệm kì 2018-2023). Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XII (nhiệm kì 2018-2023) đã bầu 22 đồng chí vào Đoàn Chủ tịch.
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (nhiệm kỳ 2018-2023).
Các đồng chí: Trần Thanh Hải, Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.
Đại hội cũng bầu 16 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra. Đồng chí Tạ Văn Đồng được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (nhiệm kì 2018-2023).
Bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả
Tại họp báo, phóng viên Báo Lao Động đặt ra vấn đề Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII sẽ có hành động gì để đưa chương trình "Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” vào cuộc sống, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Về điều này, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XII - chia sẻ: Đầu tiên, Công đoàn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nhận thức tới người lao động thấy được trách nhiệm của mình trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đây là nhiệm vụ của NLĐ, mang lại lợi ích cho gia đình NLĐ, cho doanh nghiệp và cho đất nước.
Thứ hai, Công đoàn sẽ tham gia vào việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của NLĐ; tạo điều kiện để NLĐ học tập nâng cao các kỹ năng mềm để NLĐ có thể thích ứng được trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Thứ ba là tuyên truyền cho NLĐ nâng cao kỷ luật lao động. Tổ chức công đoàn sẽ tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Ngoài ra, tổ chức công đoàn sẽ xây dựng hệ thống chính sách pháp luật theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy mạnh khởi nghiệp, tham gia giám sát môi trường lao động để NLĐ có môi trường lao động an toàn, yên tâm lao động sản xuất. Đồng thời sẽ phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất...
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cũng cho biết, trong báo cáo tóm tắt trình đại hội, đồng chí Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống chính sách pháp luật là cách để bảo vệ NLĐ từ xa, trên diện rộng và hiệu quả.
"Một chính sách ra đời, nếu có lợi cho NLĐ thì nhiều triệu NLĐ sẽ được hưởng và sẽ rất tốt cho việc bảo vệ NLĐ trong tương lai"- đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.