Đã là thợ Tôn mạ Vnsteel Thăng Long phải là thợ giỏi!
Những năm qua, Ban lãnh đạo Công ty CP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long đều dành nhiều tâm huyết để tổ chức Hội thi tay nghề. Về phía người lao động cũng xem đây như một ngày hội.
Trang tin điện tử VNSTEEL xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bài viết của phóng viên được đăng tại:
https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/da-la-tho-ton-ma-vnsteel-thang-long-phai-la-tho-gioi-97572.htm
06/08/2022 07:00
Tạp chí Công Thương đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Cần - Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long để tìm hiểu về Hội thi này.
PV: Thưa ông, Công ty CP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long vừa tổ chức thành công Hội thi tay nghề công nhân giỏi nhân dịp Tháng Công nhân 2022. Xin ông cho biết về quy mô cũng như kêt quả của Hội thi năm nay?
Ông Lê Văn Cần: Năm 2022, Công ty CP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long đã tổ chức Hội thi tay nghề công nhân giỏi vào tháng 5- Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ - tháng được xem là cao điểm phong trào thi đua hướng về người lao động. Chỉ riêng điều này thôi đã cho thấy quan điểm coi người lao động là trung tâm của Vnsteel Thăng Long.
Hội thi kéo dài trong vòng 1 tháng, từ ngày 21/5 đến hết ngày 21/6/2022, đã thu hút 56 người lao động là các công nhân vận hành trực tiếp tại các vị trí thuộc phân xưởng sản xuất, ban KCS tham gia. Các thí sinh bắt buộc phải thi 2 phần là lý thuyết và thực hành. Tại phần thi lý thuyết, có 98,1% công nhân tham gia đạt điểm chuẩn phần thi lý thuyết (từ 25 điểm trở lên). Phần thi thực hành có 100% số công nhân đạt yêu cầu về kỹ năng thực hành. Dễ dàng nhận thấy tư duy vận hành và xử lý các tình huống của các công nhân đã có nhiều cải thiện, cụ thể như: các công nhân triển khai các công đoạn vận hành trong thời gian nhanh hơn, thuần thục hơn, điểm chuẩn thực hành là 50 trong khi điểm thi thấp nhất là 40 điểm...
Vnsteel Thăng Long có quan điểm coi người lao động là trung tâm
Trân trọng thành quả này, Tổng Giám đốc Công ty chúng tôi đã ra quyết định công nhận danh hiệu “Thợ giỏi” cùng số tiền thưởng 2.000.000 đồng/người đối với 15 công nhân có thành tích cao nhất, đạt đủ tiêu chí “Thợ giỏi” của Hội thi. Bên cạnh đó, Công ty đã động viên và tặng phần quà 500.000 đồng/người đối với 15 công nhân đạt giải Khuyến khích. Chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm rất thiết thực của Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP mà cụ thể là đã trao thưởng phần quà trị giá 1.000.000 đ/người đối với các thợ giỏi của Công ty.
PV: Xin ông cho biết về ý tưởng và thông điệp của lãnh đạo Công ty muốn chuyển tới người lao động thông qua hội thi này?
Ông Lê Văn Cần: Nhiều năm qua, Công ty cùng Công đoàn Công ty CP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long luôn coi trọng và đẩy mạnh các phong trào thi đua trong CBCNV người lao động, trong đó có Hội thi tay nghề. Ban Lãnh đạo Tôn mạ Vnsteel Thăng Long mong muốn thông qua Hội thi tay nghề để hướng tới 3 mục đích.
Đầu tiên, người lao động có điều kiện giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm trong lao động, nâng cao kỹ năng trong thực tiễn; phát huy trí tuệ, sáng tạo, đẩy mạnh sáng kiến trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Thứ hai, nâng cao hiểu biết của người lao động về các quy chế, quy định, văn hoá Công ty từ đó giúp người lao động nhận thức được các mục tiêu Công ty đang hướng đến. Thứ ba, Hội thi là sân chơi mà ở đó, người lao động được trực tiếp được chơi, được giao lưu về chuyên môn nghiệp vụ, cũng như nâng cao đời sống tinh thần.
Lãnh đạo Công ty tặng hoa và thưởng cho thợ giỏi
PV: Tìm ra thợ giỏi, nâng cao tay nghề, phát huy trí tuệ, sáng tạo, giúp nâng cao năng suất lao động trong sản xuất là mục đích, ý nghĩa của các cuộc thi tay nghề nói chung. Xin ông chia sẻ về những tác động tích cực của việc nâng cao tay nghề trong sản xuất kinh doanh ở Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, đặc biệt là tác động tới lĩnh vực năng suất lao động?
Ông Lê Văn Cần: Việc nâng cao tay nghề, phát huy trí tuệ, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất lao động của mọi đơn vị trong đó có Công ty CP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc để công nhân lao động thích ứng với việc không ngừng nâng cao tay nghề là cực kỳ cần thiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Tôn mạ Vnsteel Thăng Long tổ chức Hội thi tay nghề cũng nhằm mục đích giúp cho người lao động có thể chủ động sáng tạo trong công việc, có đầy đủ các kỹ năng cần thiết tại vị trí đảm nhiệm; các cá nhân tham dự phát huy hết khả năng, năng lực của bản thân. Qua kết quả của Hội thi chúng tôi có thể đánh giá được tay nghề của công nhân ngày càng được nâng cao, góp phần ổn định sản xuất, tiết kiệm các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, đóng góp vào hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của Công ty.
Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã trao thưởng phần quà trị giá 1.000.000 đồng cho mỗi một thợ giỏi của Tôn mạ Vnsteel Thăng Long
PV: Xây dựng hình ảnh về người công nhân giỏi tay nghề, đam mê làm chủ các công nghệ mới cũng là một cách xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp khá hiệu quả. Ban lãnh đạo Công ty CP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long đã nhìn nhận và triển khai ý tưởng này như thế nào trong thực tiễn?
Ông Lê Văn Cần: Ban Lãnh đạo Tôn mạ Vnsteel Thăng Long luôn hướng tới xây dựng hình ảnh “Người công nhân chuẩn mực Vnsteel Thăng Long” với đầy đủ tính cách: nghiêm túc, chịu khó, tìm tòi, sáng kiến. Hằng năm, những người công nhân Tôn mạ Vnsteel Thăng Long vẫn có những sáng kiến “không tính bằng tiền”, nhưng đều mang tính thực tiễn và có khả năng áp dụng cao góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Đặc biệt, Tôn mạ Vnsteel Thăng Long đặt quyết tâm: Đã là thợ thì phải cố gắng là thợ giỏi!
Trong bối cảnh thị trường ngành tôn mạ cạnh tranh gay gắt và khốc liệt như hiện nay, Tôn mạ Vnsteel Thăng Long là một doanh nghiệp sản xuất, lực lượng người lao động đa số là công nhân lao động trực tiếp, do đó hình ảnh người công nhân giỏi tay nghề, làm chủ được công nghệ là yếu tố then chốt để duy trì đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất của Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, là cơ sở để nghiên cứu tạo ra những sản phẩm tôn mạ kẽm, tôn mạ màu đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng đa dạng các yêu cầu của người tiêu dùng. Người công nhân giỏi và sản phẩm tôn mạ kẽm, tôn mạ màu mang nhãn hiệu “Tôn Thăng Long – Tôn Việt Ý” là hai yếu tố tương hỗ lẫn nhau, cùng nhau phát triển, cùng nhau định vị giá trị của mình trong lòng khách hàng.
Ngay cả việc tổ chức thường niên Hội thi tay nghề hàng năm của Vnsteel Thăng Long cũng chính là một nét văn hóa, góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu của Vnsteel Thăng Long trong suốt những năm qua.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Minh Thủy