TIÊU THỤ NĂNG LƯỢNG TẠI THÉP VIỆT - SING THẤP HƠN 0,4% SO VỚI ĐỊNH MỨC CỦA NGÀNH THÉP
Số liệu báo cáo kiểm toán năng lượng được Thép Việt - Sing thực hiện năm 2023 cho thấy, mức tiêu thu năng lương tại doanh nghiệp này đạt thấp hơn 0,4% so với định mức tiêu thụ năng lượng của ngành thép (Áp dụng theo Thông tư số 20/2016/TT-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2016 của Bộ Công Thương).
Công ty TNHH NatSteelVina (thương hiệu Thép Việt - Sing) là công ty liên doanh đầu tiên trong ngành thép Việt Nam, liên kết với Tập đoàn NatSteel Holdings của Singapore. Thép Việt - Sing là sự kết hợp giữa công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến trên thế giới với truyền thống sản xuất của khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên, cái nôi của ngành thép. Với sự kết hợp hài hòa trong nhiều năm qua, Thép Việt - Sing đã mang đến cho thị trường thép Việt Nam những sản phẩm thép chất lượng cao, giá cạnh tranh, phù hợp với mọi nhu cầu sử dụng.
Thép Việt - Sing được sản xuất trên dây chuyền hiện đại của các hãnh như Pomini, Danieli với công suất 200.000 tấn/năm, năng lượng sử dụng chủ yếu là điện và dầu FO.
Ông Lê Khắc Giang, Phó Ban Quản lý năng lượng, Phó Phòng Sản xuất Công ty Thép Việt - Sing cho biết: Công ty luôn chú trọng đầu tư, nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp, áp dụng công nghệ mới nhằm tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng để giảm giá thành sản phẩm, tăng cạnh tranh. Ngoài những giải pháp mang tính nội vi như ban hành những quy định, hướng dẫn có liên quan đến vận hành, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, nâng cao ý thức cán bộ công nhân viên về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,… Công ty còn triển khai nhiều dự án cải tạo thiết bị nhằm giảm tiêu hao năng lượng.
Công ty đã xây dựng quy trình vận hành lò nung phôi theo kích thước phôi, công suất cán khác nhau nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lượng và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật liên quan; Lắp biến tần tự động điều khiển áp lực gió lò nung thay cho van tiết lưu điều khiển cửa hút giúp giảm 25% tiêu hao điện năng cho động cơ quạt gió 75HP; Lắp hệ thống bù tự động cho các tủ phân phối hạ thế, bù cục bộ tới từng động cơ AC (>22KW), góp phần duy trì Coshi trung bình hàng tháng xung quanh 0,95, giúp tiết kiệm khoảng 2.5% tiêu hao điện năng; Lắp đặt hệ thống sục khí cho các tháp lọc, làm tăng hiệu quả lọc và giảm tiêu thụ điện cho bơm lọc.
Trong hệ thống cấp nước, trước đây Công ty chỉ dùng một trạm đầu nguồn và hòa các bơm với nhiều đặc tính khác nhau, gây tổn thất năng lượng, hay gặp sự cố ở hệ thống bơm và không đáp ứng tốt cho sản xuất. Công ty đã tiến hành cải tạo, phân ra làm 2 trạm độc lập và ghép nối tiếp với nhau. Trạm đầu nguồn giảm áp lực, tăng lưu lượng để cấp cho một phần dây truyền và trạm bơm tăng áp dùng cho các thiết bị có yêu cầu áp lực cao hơn. Mỗi trạm bơm này gồm một số bơm hòa chung đầu ra với các bơm có đặc tính tương đương và mỗi trạm có 1 bơm biến tần làm chủ đạo điều khiển tự động các bơm còn lại theo áp lực đặt. Giải pháp này luôn duy trì áp lực như mong muốn của từng khu vực, giảm tiêu hao điện năng và thiết bị cũng bền hơn.
Vật liệu của các tháp giải nhiệt trước đó là PVC với thời gian làm việc ngắn, thay thế định kỳ 3 năm và bám cặn bẩn rất nhiều, làm giảm quá trình trao đổi nhiệt được thay thế bằng vật liệu Composite (FRP) với khả năng chịu nhiệt tốt hơn. Composite không bám cáu bẩn và thiết kế kiểu Splash Bar, tạo dòng chảy rối và bắn tóe giúp cho quá trình trao đổi và giải nhiệt tốt hơn (nhiệt độ trước đó qua tháp chỉ giảm được từ 5 - 7 độ C đã nâng lên 10 - 12 độ C, giảm điện năng tiêu thụ cho quạt làm mát, tuổi thọ của vật liệu cho phép khoảng 10 năm.
Ngoài ra, Công ty đã thay bóng đèn sợi đốt, bóng cao áp halozen bằng bóng đèn LED tiết kiệm điện.
Đặc biệt, ngay sau khi có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), công ty đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng. Đến nay, Công ty đã có hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 500001:2018. Công cụ quản lý năng lượng tiên tiến, có phương pháp đánh giá hệ thống khoa học, hiện đại giúp Công ty nhận diện được những tồn tại và tiềm năng có thể tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, hệ thống còn giúp đánh giá được toàn diện tất cả các vấn đề mà hệ thống cũ trước kia chưa thể đáp ứng.
“Với một loạt các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tiêu hao năng lượng đã triển khai, theo số liệu báo cáo kiểm toán năng lượng thực hiện năm 2023 cho thấy hoạt động quản lý năng lượng ở Thép Việt - Sing đã được đạt những chỉ số khá tốt, mức tiêu thu năng lương đã đạt thấp hơn 0,4% so với hạn ngạch tiêu thụ năng lượng của ngành thép trong Thông tư số 20/2016/TT-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2016 của Bộ Công Thương”, ông Giang thông tin.
Chia sẻ về các giải pháp giúp công ty tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới, ông Giang cho biết: Công ty đang tham gia vào Chương trình Thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp (VAS) trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu hướng đến là cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng tại cơ sở, giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua việc tiếp cận báo cáo tiền khả thi của dự án đã giúp Công ty nhận diện được tiềm năng tiết kiệm năng lượng và phương pháp áp dụng công nghệ vào quá trỉnh sản xuất nhằm cải tiến hiệu suất lò nung.
Ngoài ra, Thép Việt – Sing đang nghiên cứu chuyển đổi năng lượng hướng tới sản xuất thép xanh. Công ty đã ký hợp đồng thỏa thuận với công ty cung cấp khí LNG để chuyển đổi năng lượng từ dầu sang khí, và ký thỏa thuận hợp tác với một quỹ điện mặt trời áp mái của Anh để nghiên cứu triển khai dự án tại đơn vị.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc NatSteelVina, khẳng định quyết tâm trở thành doanh nghiệp thép tiên phong về hiệu quả năng lượng, giảm phát thải của doanh nghiệp. “Trong nhiều năm qua, NatSteelVina không ngừng nỗ lực cải tiến dây chuyền công nghệ, áp dụng sáng kiến nhằm giảm tiêu hao năng lượng và chi phí sản xuất, hướng tới sản xuất thép xanh và bảo vệ môi trường, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và giữ vững vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Mai Anh (nguồn: tietkiemnangluong.com.vn)