eMagazine

Tổng tiêu thụ thép thành phẩm của VNSTEEL 7 tháng năm 2024, đạt trên 2 triệu tấn, tăng trưởng 30,3% so với cùng kỳ năm 2023

Tháng 7/2024, giá của hầu hết các mặt hàng trên thị trường thép thế giới đều giảm so với tháng 6/2024, ngoại trừ thép phế tăng nhẹ từ 0,8 - 1,6% tùy theo khu vực. Trong nước, giá nguyên liệu như thép phế, phôi thép, HRC và thép thành phẩm như thép xây dựng, tôn mạ,... cũng có diễn biến giảm giá theo xu hướng thế giới. 

Picture1 Diễn biến giá thế giới

Thị trường thép nội địa tháng 7/2024 nhìn chung khó khăn trong bối cảnh diễn biến giá phức tạp, khó lường; nhu cầu tiêu thụ thép của thị trường yếu do thị trường bất động sản chưa phục hồi, ít dự án công trình được khởi công xây dựng; sức mua của thị trường dân dụng cũng giảm do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi cho hoạt động xây dựng (mùa mưa, nắng nóng bất thường, sạt lở,…).

Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn khi căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao.

Nằm trong tình hình khó khăn chung, sản lượng tiêu thụ tháng 7/2024 của toàn hệ thống VNSTEEL mặc dù tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước nhưng lại giảm so với tháng trước, cụ thể như sau: tổng tiêu thụ thép thành phẩm các loại tháng 7 đạt trên 292.000 tấn, giảm 6,8% so với tháng 6/2024 và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng tiêu thụ thép thành phẩm của VNSTEEL đạt trên 2 triệu tấn, tăng trưởng 30,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: thép xây dựng đạt trên 1,3 triệu tấn - tăng trưởng 14%, thép cuộn cán nguội đạt 450.000 tấn - tăng trưởng 76%, tôn mạ đạt 258.000 tấn - tăng trưởng 79,6%.

Picture2 Sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm - VNSTEEL

VNSTEEL dự báo thị trường thép nội địa tháng 8/2024 sẽ tiếp tục khó khăn về sức mua do trùng với tháng ngâu - theo thông lệ, nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường dân dụng thường xuống thấp trong tháng 7 âm lịch, đây cũng là thời gian mưa nhiều nhất trong năm, điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng. Thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách khi các quốc gia nhập khẩu tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại; mặt bằng giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên giá nếu Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá thép trong nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến giá trên thị trường thép thế giới. 

Ton ma

Bên cạnh đó, VNSTEEL nhận định một số yếu tố tích cực sẽ ảnh hưởng tới thị trường thép từ tháng 8 cũng như những tháng còn lại của năm 2024 như:

- Một loạt những chính sách mới quan trọng liên quan đến kinh tế như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng thông tư của các bộ, ngành sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 8, giúp khơi thông điểm nghẽn của thị trường bất động sản.

- Nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức, đây tiếp tục là yếu tố thuận lợi cơ bản trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

- Từ kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng trong 2 quý còn lại tương ứng với mức tăng trưởng 6,53% trong quý III và 6,61% trong quý IV.

- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%. Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 5,5% và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực sẽ là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước, trong đó có lĩnh vực thép.

VNSTEEL News

;