Tận dụng những ưu đãi thuế quan khi tham gia ACFTA

Dù kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm tăng trưởng trên 7%, nhưng tỷ lệ hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn.

04/06/2015 17:07

Dù kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm tăng trưởng trên 7%, nhưng tỷ lệ hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế trong vòng 10 năm.

Việt Nam được giữ lại 456 dòng thuế gồm những mặt hàng nhạy cảm và Trung Quốc có khả năng cạnh tranh rất cao như: Trứng gia cầm, đường, thuốc lá, động cơ, phương tiện vận tải, xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, một số mặt hàng liên quan đến an ninh quốc phòng.

Trong khi đó, Trung Quốc đã cắt giảm cho Việt Nam 7.845 dòng thuế, chiếm 95,35% tổng số dòng thuế và chiếm 91,59% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 5-50% vào cuối năm 2018.

Một số mặt hàng Trung Quốc vẫn duy trì thuế suất gồm ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc, cà phê, gia vị, xăng dầu, phân bón, nhựa nguyên liệu, vải may mặc, nguyên liệu dệt may, da giày, động cơ, máy móc thiết bị, ô tô, động cơ, bộ phận phụ tùng ô tô, đồ nội thất...

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (đứng sau Mỹ). Như vậy, với việc cắt giảm thuế của 2 nước như đã nói ở trên, xét về tổng quan, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm tăng trưởng trên 7%, nhưng tỷ lệ hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn.

Không những thế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc và tốc độ nhập siêu ngày càng tăng cao, vượt xa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng bình quân 8,9%/năm. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2012 và chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Đối với số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, giai đoạn 2011-2013, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng trưởng bình quân 22,5%. Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là gần 37 tỷ USD, tăng 28,8% so với năm 2012, chiếm tỷ trọng 27,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ thế giới.

Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng nhanh trong những năm qua: Năm 2011 nhập siêu 13,4 tỷ USD, năm 2012 nhập siêu 16,3 tỷ USD, năm 2013 nhập siêu 23,6 tỷ USD.

Để tận dụng tốt hơn nữa những FTA đã ký và sẵn sàng đối mặt với những FTA sắp ký, "doanh nghiệp cần phải chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết về hội nhập, tập trung tìm hiểu các mặt hàng có lộ trình cắt giảm thuế để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng được các cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh. Đồng thời, cần xác định được lợi thế của mình, từ đó đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) đưa ra khuyến cáo tại buổi họp báo chuyên đề hội nhập kinh tế quốc tế chiều 3/6 tại Hà Nội.