Lương, thưởng đối với người quản lý Doanh nghiệp Nhà nước

Tại dự thảo Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người quản lý công ty.

21/05/2015 07:56

Tại dự thảo Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người quản lý công ty.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua tổng hợp số liệu của một số công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước cho thấy, sau khi chuyển đổi mô hình từ 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần thì nhìn chung hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty đều giữ ổn định và có tăng trưởng, tiền lương của người lao động có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, các công ty thường quyết định tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người quản lý (trong đó có người đại diện vốn Nhà nước) quá cao, tạo sự bất hợp lý so với hiệu quả sản xuất kinh doanh, chênh lệch quá mức so với người lao động trong nội bộ công ty, cũng như so với công ty nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo số tổng hợp của 345 công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước năm 2013 (chủ yếu công ty có quy mô nhỏ và vừa) thì tiền lương bình quân của người lao động từ 10 - 11 triệu đồng/tháng; người quản lý bình quân khoảng 25 - 26 triệu đồng/tháng, gấp 2,3 - 2,5 lần mức lương bình quân người lao động.

Công ty có quy mô lớn, làm ăn có hiệu quả thì trả mức lương khoảng 70 - 90 triệu đồng/tháng, cá biệt có trường hợp trả 155 triệu đồng/tháng (gấp nhiều lần mức bình quân chung của người lao động và người quản lý của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang bị khống chế mức trần tối đa khoảng 40 - 45 triệu đồng/tháng); có công ty hiệu quả không cao, thậm chí lỗ nhưng vẫn trả lương cho người quản lý 45 triệu đồng/tháng, gấp 14 lần mức lương 3 triệu đồng/tháng của người lao động.

Để khắc phục tình trạng trên, tại dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định theo hướng: Quỹ tiền lương kế hoạch được xác định trên cơ sở số người quản lý, mức tiền lương bình quân kế hoạch gắn với lợi nhuận kế hoạch và bảo đảm tương quan với mức tiền lương của người lao động, trong đó: Lợi nhuận kế hoạch tăng so với thực hiện năm trước thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tăng so với thực hiện năm trước; lợi nhuận kế hoạch giảm thì mức tiền lương bình quân kế hoạch giảm so với mức tiền lương bình quân thực hiện năm trước liền kề.

Sau khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch theo quy định trên thì mức tối đa chia theo 3 loại quy mô lợi nhuận và 5 loại mức lương của người lao động: lợi nhuận dưới 500 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân của người quản lý từ 5 - 9 lần mức lương của người lao động, nhưng không quá 40 - 80 triệu đồng/tháng; lợi nhuận từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân của người quản lý không quá 45 - 85 triệu đồng/tháng; lợi nhuận từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 2.000 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân của người quản lý không quá 55 - 95 triệu đồng/tháng; lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng thì tiền lương bình quân không quá 60 - 100 triệu đồng/tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, quy định trên đảm bảo mức lương của cán bộ quản lý tương quan hợp lý với mức lương trên thị trường của các doanh nghiệp đang trả cho các chức danh quản lý (phổ biến từ 45 - 70 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao đang trả từ 70 - 120 triệu đồng/tháng).

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất quy định quỹ tiền lương thực hiện được xác định căn cứ quỹ tiền lương kế hoạch và mức độ hoàn thành lợi nhuận kế hoạch, trong đó lợi nhuận thực hiện cao hơn kế hoạch thì mức tiền lương bình quân tăng thêm tối đa 15% kế hoạch; mức thù lao của viên chức quản lý không chuyên trách tối đa bằng 20% mức tiền lương của người quản lý.

Quỹ tiền thưởng từ lợi nhuận hằng năm sau khi thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, các thành viên góp vốn không vượt quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện, nếu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh; không trích thưởng nếu không hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh.