Dư thừa thép đòi hỏi một giải pháp toàn cầu
26/09/2016 07:56
Trong khi Trung Quốc khẳng định dư cung thép là vấn đề mang tính toàn cầu thì EU và Mỹ cáo buộc ngành thép Trung Quốc, chiếm tới 50% sản lượng thép thế giới, là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Mặc dù Hội nghị G20 đã khép lại được vài tuần nhưng dư âm của nó đến nay vẫn còn âm ỉ, bởi đây là lần đầu tiên G20 đề cập tới câu chuyện dư thừa thép – một vấn đề được cho là vi mô trong khi trong lịch sử của mình, phần lớn G20 thường thảo luận các vấn đề vĩ mô.
Còn nhớ, ngay tại Hội nghị G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa đã nhắc lại cam kết hồi tháng 1/2016 về việc Trung Quốc có trách nhiệm sẽ cắt giảm 100-150 triệu tấn trong tổng công suất 1,2 tỷ tấn vào năm 2020.
Nhưng theo giới phân tích, con số này vẫn là nhỏ bé số với lượng thép dư thừa toàn cầu hiện nay. Cụ thể nó mới chỉ bằng 50% mức dư cung thép (300 triệu tấn) ước tính của Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, chỉ trong năm 2015, sản lượng thép của Trung Quốc lên tới con số 804 triệu tấn. Đây là con số quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ, chiếm tới ½ sản lượng toàn cầu, gấp 5 lần sản lượng của toàn châu Âu, hơn 7 lần Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, để ngăn ngừa “làn sóng” thép từ Trung Quốc, Chính phủ nhiều nước như Mỹ, Austalia… đã dựng lên các hàng rào kỹ thuật, áp thuế chống bán phá giá. Hồi đầu tháng 8, EU cũng đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc.
Về phần mình, sở dĩ Trung Quốc tỏ ra chậm trễ trong việc cắt giảm là bởi hệ lụy mà nó mang lại quá lớn, sẽ có hàng triệu người mất việc làm sẽ gây ra những bất ổn trong xã hội. Đó là điều mà Trung Quốc lo ngại nhất.
Hiện nay, ở Trung Quốc đang có tình trạng tháo dỡ các nhà máy thép để đầu tư ra nước ngoài hoặc bán công nghệ lạc hậu với giá bèo. Điều này khiến nhiều nước vô hình chung trở thành nơi tập kết “rác thải” công nghệ cho ngành thép Trung Quốc, gây ra những hệ lụy rất lớn cho môi trường. Mặt khác, thông qua những dự án đầu tư này, thép Trung Quốc thậm chí còn “hồi sinh” vì nếu thép thành phẩm có xuất xứ từ các nước này sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá như thép XK từ Trung Quốc.
Bởi vậy mà đề xuất thành lập một diễn đàn toàn cầu để ứng phó với tình trạng dư cung trong ngành công nghiệp thế giới, nhất là thép tại Hội nghị G20 vừa qua được các nước đồng tình ủng hộ.