Canada gia hạn điều tra ống thép dẫn dầu

Do nhiều vấn đề phức tạp và mới phát sinh trong vụ việc tái điều tra ống thép dẫn dầu nên cơ quan Biên mậu Canada đã quyết định gia hạn ra kết luận cuối cùng thêm 75 ngày.

07/08/2015 16:26

Do nhiều vấn đề phức tạp và mới phát sinh trong vụ việc tái điều tra ống thép dẫn dầu nên cơ quan Biên mậu Canada đã quyết định gia hạn ra kết luận cuối cùng thêm 75 ngày.

Ngày 6-8, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương dẫn nguồn tin của Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, cơ quan Biên mậu Canada (CBSA) đã quyết định gia hạn thời gian đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc tái điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu (OCTG) của một số quốc gia trong đó có Việt Nam.

Theo dự kiến ban đầu, CBSA sẽ đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 30-9. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề phức tạp và mới phát sinh trong vụ việc tái điều tra nên CBSA đã quyết định gia hạn ra kết luận cuối cùng thêm 75 ngày. Theo đó, vụ việc sẽ kết thúc vào ngày 14-12-2015.

Trước đó, ngày 4-5, CBSA đã quyết định khởi xướng vụ việc tái điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống OCTG nhập khẩu từ một số quốc gia trong đó có Việt Nam.

Trong quá trình tái điều tra, CBSA đã gửi các bản câu hỏi đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và Chính phủ Việt Nam để làm rõ những thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu và ảnh hưởng của Chính phủ Việt Nam đến ngành ống thép OCTG của Việt Nam.

Ngày 11-6, Cục Quản lý cạnh tranh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi bản trả lời câu hỏi đến cơ quan điều tra CBSA.

Vụ việc này được CBSA khởi xướng điều tra từ giữa năm 2014. Sau đó, Cơ quan điều tra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước (CITT) đã ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của Canada và khẳng định lượng nhập khẩu từ các nước bị kết luận trợ cấp là không đáng kể. Theo đó, Canada sẽ không áp dụng biện pháp chống trợ cấp trong vụ việc trên.

Tuy nhiên, trong vụ việc chống bán phá giá, mặc dù CITT ra phán quyết hành vi bán phá giá không gây thiệt hại đáng kể nhưng lại gây ra hiện tượng đe dọa thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước nên biện pháp chống bán phá giá vẫn được áp dụng. Mức thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam do CBSA – cơ quan điều tra về phá giá xác định là 37,4%.

Ngoài ra, hiện nay nguyên đơn của vụ việc điều tra gốc (vụ việc điều tra năm 2014) đã tiến hành kiện CBSA ra Tòa phúc thẩm liên bang Canada. Các nguyên đơn cho rằng, CBSA đã có sai phạm trong kết luận cuối cùng trong vụ việc ban đầu, vi phạm khi tiến hành khởi xướng tái điều tra và có thể những sai phạm trong vụ việc ban đầu sẽ được tiếp diễn trong vụ việc tái điều tra này, đồng thời nguyên đơn cũng yêu cầu Tòa phúc thẩm ra lệnh dừng việc tiến hành và kết luận vụ việc tái điều tra.